Dinh dưỡng cho người huyết áp thấp

Thường người ta cho rằng huyết áp đo được dưới 120/80 mmHg là huyết áp thấp. Huyết áp thấp bao gồm cấp tính và mạn tính:

Huyết áp thấp cấp tính: là huyết áp từ mức bình thường hay hơi cao, đột nhiên tụt xuống thấy rõ, biểu hiện chính là hai loại hội chứng lâm sàng là choáng váng và sốc.

Huyết áp thấp mạn tính: gồm huyết áp thấp thể chất và huyết áp thấp thế đứng. Huyết áp thấp thể chất thường gặp ở người suy nhược cơ thể, giới nữ nhiều hơn, bên cạnh có xu hướng di truyền, phần nhiều không có triệu chứng tự phát giác, với huyết áp thấp chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe, không mang ý nghĩa lâm sàng quan trọng. Một số người bệnh có những triệu chứng biểu hiện giống như rối loạn thần kinh chức năng: choáng váng, đau đầu, thậm chí ngất xỉu, hồi hộp, thường do một số bệnh mạn tính hay suy dinh dưỡng gây ra.

Huyết áp thấp thế đứng là từ thế nằm đột nhiên chuyển thế đứng, hoặc đứng thời gian dài phát sinh huyết áp thấp, nghiêm trọng có thể gây ra choáng váng, triệu chứng điển hình là khi đứng huyết áp giảm xuống, cảm giác như suy nhược, nhưng không vã mồ hôi, cơ chế gây bệnh có khả năng liên quan đến rối loạn chức năng thần kinh thực vật, cản trở chức năng co thắt của các tiểu động mạch rồi gây ra bệnh. Qua đó cho thấy, thiếu máu và huyết áp thấp là hai loại bệnh khác nhau trên lâm sàng không có mối liên hệ “nhân quả”.

Ăn uống điều dưỡng

Để điều trị huyết áp thấp, liệu pháp ăn uống cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu, có thể từng bước nâng cao thể chất của người bệnh, cải thiện chức năng tim mạch, tăng sức co bóp của tim, theo đó từng bước nâng huyết áp lên cao cũng như ổn định huyết áp đến mức bình thường, loại bỏ những triệu chứng bất ổn do huyết áp thấp gây ra. Người bệnh huyết áp thấp cần chọn những điểm về ăn uống như sau:

– Ăn cả “chay” lẫn “mặn”, ăn uống phối kết hợp lý, đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng toàn diện, làm cho cơ thể từ yếu chuyển dần đến mạnh.

– Nếu kèm thêm thiếu hồng cầu, chứng thiếu máu do thiếu huyết sắc tố, nên dùng nhiều thức ăn là “nguyên liệu tạo máu” gồm protid, Fe, Cu, acid folic, vitamin B12, vitamin C… như gan heo, lòng đỏ trứng, thịt nạc, sữa bò, nghêu sò, đậu nành, đậu hũ, đường đen và rau quả tươi.

– Những trái cây như long nhãn, hạt sen, đại táo… có công hiệu dưỡng tâm ích huyết, kiện tỳ bổ não, nên ăn thường xuyên.

– Dùng thức ăn kích thích và chất điều vị một cách thích hợp gồm gừng, hành, giấm, nước tương, đường, hồ tiêu, ớt, bia, rượu vang…

– Trái với bệnh tăng huyết áp, bệnh huyết áp thấp thích hợp ăn uống nhiều natri, nhiều cholesterol. Clorur natri (muối ăn) hàng ngày cần hấp thu 10 – 12 g. Thức ăn chứa nhiều cholesterol như óc, gan, trứng, bơ, trứng cá, xương heo thường ăn với mức vừa phải, giúp ích cho việc nâng nồng độ cholesterol máu, tăng độ co bóp của động mạch, làm huyết áp tăng lên.

– Thường ăn gừng tươi, thúc đẩy tiêu hóa, kiện vị, tăng huyết áp. Gừng giã nhuyễn trộn vào món ăn hay hãm nước sôi dùng uống thay trà.

– Ít dùng những thức ăn có tác dụng giảm huyết áp như bí đao, dưa hấu, rau cần, sơn tra, khổ qua, đậu xanh, tỏi, phổ tai, hạt hướng dương…

Món ăn thực dưỡng

* Gà ác 1 con (khoảng 1,5 kg). Gà giết mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, nhét vào bụng gà Đương quy 60 g, Hoàng kỳ 50 g, đường 100 g, rượu gạo 50 ml, khâu kín, cho vào lò tiềm cách thủy, dùng canh ăn thịt, mỗi tuần 1 lần, dùng liền 2 tháng.

* Táo đỏ 15 trái, bỏ hột, hạt dẻ 150 g, gà 1 con, gà xắt lát, xào bằng lửa mạnh, thêm vật liệu nêm nếm, gần chín, thêm táo đỏ, hạt dẻ hầm đến nhừ thì dùng.

* Cá trích 1 con, nếp 60 g. Cá rửa sạch (không bỏ vảy), cùng với nếp ninh cháo, mỗi tuần 2 lần, dùng liền 2 tháng.

* Gà giò mái 1 con, Hoàng kỳ 30 g, Thiên ma 50 g. Gà rửa sạch trụng qua nước sôi, dùng nước lạnh dội lại. Thiên ma, Hoàng kỳ nhét vào bụng gà. Đặt gà trong nồi đất, thêm hành và gừng vừa đủ, muối, rượu, vỏ quýt mỗi thứ 15 g, nước vừa đủ, dùng lửa nhỏ hầm gà đến nhừ, thêm bột tiêu 5 g thì dùng.

* Táo đỏ 20 g, Sa sâm 15 g, Sinh địa 10 g, Thục địa 10 g, đổ nước vừa đủ, dùng thố tiềm trong 3 giờ, thêm mật ong vừa đủ, ngày 2 lần ăn hết, dùng liền 2 tuần.

* Rượu Dâm dương hoắc: Dâm dương hoắc 30 g, ngâm trong 0,5 lít rượu trắng, sau 1 tuần thì dùng, uống mỗi sáng và chiều lúc bụng đói. Mỗi lần uống khoảng 15 ml, dùng liên tục cho đến khi huyết áp tăng đến mức bình thường hoặc những triệu chứng tự cảm nhận biến mất, rồi dùng tiếp 1 tháng để củng cố hiệu quả điều trị.

* Chè Nhân sâm: Nhân sâm nhuyễn 5 g (hoặc Đảng sâm 15 g), đường phèn vừa đủ, gạo 100 g. Tất cả vật liệu cho vào nồi đất, thêm nước ninh chè, chia ăn sáng và chiều. Công hiệu ích khí trợ dương, tăng huyết áp, dùng chữa huyết áp thấp và mệt mỏi suy nhược.

* Canh Đương quy thịt dê: Đương quy 75 g, gừng tươi 75 g, thịt nạc dê 1 kg, vỏ quế và vật liệu nêm nếm một ít. Tất cả vật liệu đổ nước vừa đủ, dùng lửa nhỏ hầm thịt đến nhừ, bỏ bã thuốc, dùng canh ăn thịt, mỗi lần vừa đủ, ngày 2 lần. Công hiệu tư dưỡng cường tráng, trợ dương. Chữa trị huyết áp thấp.

* Tỏi, mè ngâm mật ong: Mè đen 120 g, tỏi 1 củ, mật ong 200 g. Mè đen sau khi rang với lửa vừa, dùng cối mài nhuyễn. Tỏi lột vỏ, dùng dao bào nhuyễn. Mè đen, tỏi, mật ong trộn thật đều, chứa trong keo, để nơi thoáng mát trong 1 tháng. Ngày 2 lần, mỗi lần 1 muỗng nhỏ, nuốt uống với nước đun để nguội.

* Cà rốt sống hay nấu chín rất có hiệu quả đối với việc cải thiện thể chất. Để cải thiện huyết áp thấp có thể thêm vào nồi cơm khoảng một muỗng canh cà rốt xay nhuyễn, chan với nước tương. Muốn phát huy hiệu dụng cao nhất nguồn cung cấp vitamin A là bêta-caroten thì tuyệt đối kiêng xào với dầu, thêm nhiều giấm ăn chung sẽ không phá hỏng bêta-caroten.

* Cá trích nướng muối tiêu: Cá trích 1 con, rửa sạch, nướng trên lửa, chấm ăn với muối tiêu.

Lương y BÀNG CẨM

Recommended For You