Dinh dưỡng hợp lý với các bệnh mãn tính trong dịp Tết

Ngày thường, nhiều người vẫn biết nên ăn uống thế nào để bảo vệ sức khỏe, thế nhưng vào các dịp lễ tết do sự cám dỗ của thức ăn, thức uống, bạn bè chèo kéo, không khí vui vẻ của lễ tết đã khiến họ vượt rào… Hậu quả là sau tết số bệnh nhân nhập viện tăng lên. Vậy ăn uống như thế nào để vẫn thưởng thức được hương vị tết lại không ảnh hưởng đến sức khỏe?

ThS.BS. Diệp Thị Thanh Bình, BV đại học y dược TP.HCM cho biết, các loại thực phẩm không thể thiếu trong ngày tết gồm:

Bánh chưng, bánh tét:

Hầu như có đủ các chất dinh dưỡng gồm đạm, tinh bột và béo, chỉ thiếu chất xơ. Trung bình 100 g tương đương với 250 kcalo, nhiều chất béo và các chất béo này có nguồn gốc từ mỡ động vật nên không có lợi cho sức khỏe.

Bánh chưng thường được ăn kèm với dưa món, củ kiệu sẽ giúp hóa giải thịt mỡ, vừa cung cấp thêm chất xơ cho cơ thể. Tuy nhiên nếu ăn thường xuyên sẽ không tốt cho bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường vì có nhiều chất béo động vật.

Ngoài ra, dưa món, củ kiệu còn có hàm lượng muối cao không thích hợp cho bệnh nhân bị tăng huyết áp, nếu chỉ ngâm với giấm đường lại không thích hợp cho người bệnh đái tháo đường.

Vì vậy, với bệnh nhân đái tháo đường, nếu dùng bánh chưng, không nên ăn quá 200 g/ngày và phải tiết giảm lượng thức ăn trong ngày, cũng nên hạn chế dưa món và củ kiệu dù với loại ngâm giấm đường.

Với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu ăn dưa món, củ kiệu nên dùng loại ngâm giấm đường để giảm hàm lượng muối; tôm khô nên chọn loại to, ít mặn (khoảng 30 con 100 g) và chú ý không ăn quá 10 con một lần. Kali là một chất có tác dụng làm giảm tác hại của muối lên thành mạch. Nếu bạn thích ăn mặn thì nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều kali như trái cây và rau xanh.

– Các món thịt nguội, giò chả:

Nhóm thực phẩm này chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, thực phẩm này có thể có chứa hàn the để tạo độ giòn và dai nên có hại. Với bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp nên hạn chế, và chỉ nên dùng khoảng 100 g thức ăn này mỗi ngày.

– Thịt kho trứng:

Do có chứa nhiều mỡ động vật nên bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp và gan mật khi ăn nên bỏ phần mỡ và da. Ngoài ra, một lòng đỏ trứng có chứa khoảng 200 mg cholesterol, nếu ăn quá lượng trên mỗi ngày sẽ có hại cho tim mạch vì gây ra xơ vữa động mạch.

– Các loại bánh mứt:

Có hàm lượng đường cao nên dễ có cảm giác ngán, ngay cả với người bình thường. Các thứ này chủ yếu là nhóm đường đơn,chỉ số đường rất cao, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp với bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường đã kiểm soát tốt đường huyết thì có thể ăn vài miếng, ngược lại thì không nên sử dụng.

– Trái cây:

Thói quen ăn nhiều trái cây và rau xanh là một ưu thế có lợi cho sức khỏe của người Việt Nam. Là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày đầu xuân. Với người bình thường có thể dùng 2 – 3 suất trái cây/ngày (mỗi suất tương đương với 1 trái táo, hoặc 3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận, hoặc 1 trái cam vừa, hoặc một góc tư dưa hấu…). Đối với bệnh nhân đái tháo đường không nên dùng quá 2 suất trái cây/ngày, các loại trái cây quá ngọt, hàm lượng đường cao không nên dùng quá 3 lần/tuần.

Ăn Tết không ảnh hưởng đến chức năng gan

Tết không thể thiếu rượu bia, tuy nhiên nếu uống rượu quá mức sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, vì rượu được thải ra khỏi cơ thể do hoạt động thải độc của gan.

Theo lời khuyên của TS.BS. Tạ Thị Tuyết Mai, trưởng khoa dinh dưỡng, BV nhân dân Gia Định: Chỉ nên uống 1 – 2 lon bia hoặc 50 ml rượu mỗi ngày. Và để tránh suy chức năng gan do lỡ quá chén chúng ta cần có một chế độ ăn bồi bổ tế bào gan và cho phép tế bào gan được nghỉ ngơi trong vòng 5 – 7 ngày. Bệnh nhân đái tháo đường cũng có thể dùng nước ngọt loại ăn kiêng nhưng nên hạn chế không dùng quá 1 lon/ngày. Ngoài ra, cũng có thể dùng vài tách trà, ly rượu thơm.

– Giảm kích thích gan sản xuất mật:

việc giảm nguồn acid béo bão hòa từ sữa, thịt bằng cách ăn cá, đậu hũ, uống sữa tách béo (Calcimex, Obilac, Flex, Anlene…) giúp gan giảm sản xuất mật, đồng thời chất xơ trong đậu nành còn giúp giảm sự tích mỡ tại gan.

– Cung cấp dưỡng chất cần thiết cho tế bào gan:

+ Acid amin nhánh (valin, leucin, isoleucin) từ 200 ml thực phẩm đặc biệt dành cho người suy gan (Nutricomp Hepa) hoặc từ viên acid amin có tỷ lệ acid amin nhánh > 30%.

+ Khoáng, sinh tố từ rau, trái cây, các loại gia vị rất cần thiết cho tế bào gan. Một chế độ ăn với 300 g rau xanh, 500 g trái cây mỗi ngày là cần thiết.

– Bệnh nhân đái tháo đường cần giữ đường huyết ổn định bằng một chế độ ăn điều độ, đúng giờ, chia làm nhiều bữa nhỏ và giàu chất xơ sẽ giúp giữ đường huyết ổn định và như vậy gan sẽ giảm việc phân giải glycogen để giải phóng glucose vào máu. Có thể thêm chất xơ vào khẩu phần ăn bằng cách trộn một phần gạo lứt hoặc yến mạch vào gạo chà trắng thường dùng.

Không ăn quá nhiều thịt

Ngày tết người tiêu dùng thường có xu hướng ăn nhiều thịt, trong khi thịt là nguồn thực phẩm giàu đạm, chứa nhiều acid béo no, có thể chuyển thành chất gây ung thư tại ruột già và làm tăng mất calci qua nuớc tiểu do đặc tính làm toan nước tiểu. Vì vậy cần:

– Kiểm soát lượng thịt khẩu phần: không ăn quá 200 g thịt mỗi ngày, nên ăn thêm các loại thực phẩm có nguồn gốc đạm thực vật như đậu hũ (1 – 2 bìa) hoặc đạm có giá trị sinh học cao như trứng (1/2 quả), sữa tách béo (200 – 400 ml) hoặc cá (100 g).

– Ăn nhiều xơ thực phẩm: xơ thực phẩm có nhiều trong yến mạch, gạo lứt, rau xanh (300 g), trái cây (500 g), đậu hũ.

Xơ thực phẩm sẽ giúp:

• Cản trở sự tái hấp thu acid mật tại hồi tràng và kết quả là LDL-cholesterol được lấy từ máu về gan để tổng hợp bù cho lượng acid mật mất theo phân. Như vậy chế độ ăn giàu chất xơ sẽ giúp cơ thể loại bớt LDL-cholesterol, một loại cholesterol xấu, thành phần chủ yếu của mảng xơ vữa động mạch thường gia tăng sau một chế độ ăn giàu acid béo no.

• Thải các độc tố (nitrosamin, mucosamin…) có thể gây ung thư đại tràng do phản ứng của các sản phẩm tiêu hóa của thịt và các acid amin trong ruột.

– Tăng đậu nành và sản phẩm của đậu nành trong khẩu phần: chất isoflavon trong đậu nành ức chế hoạt động của men tyrosin, một loại men tham gia vào sự hình thành mảng bám trong xơ vữa thành mạch.

– Tăng nguồn gia vị như gừng, hành, tỏi: các loại kháng sinh trong gia vị như allicin trong tỏi, gingerol trong gừng, zingiberol trong riềng cũng giúp thải độc tố sinh ra trong quá trình tiêu hóa thịt.

– Tăng nguồn thức ăn bổ sung calci: bằng các loại sữa giảm béo có bổ sung calci (Calcimex, Obilac, Flex, Anlene…).

Không có thức ăn tốt và cũng không có thức ăn xấu. Thức ăn tốt hay xấu phụ thuộc vào cách ăn uống của mỗi người. Nên ăn uống điều độ, vừa phải, đảm bảo đủ 3 bữa chính. Mỗi ngày nên ăn rau xanh (300 g/ngày), trái cây tươi (500 g/ngày), đậu hũ (500 ml sữa đậu nành không đường hoặc 2 bìa đậu hũ trắng), cá (100 g), trứng (1 cái), sữa tách béo (250 ml). Ngoài ra cần có chế độ vận động hợp lý mỗi ngày như làm việc nhà, đi bộ, cầu lông, bơi lội…

BÌNH MINH

Recommended For You