Hò khoan Lệ Thủy bắt nguồn từ dân ca, quá trình phát triển dài lâu, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn cả nhân loại.
Vốn quý giữ gìn
Lệ Thủy – dải đất hẹp phía nam tỉnh Quảng Bình, nơi ôm trọn dòng Kiến Giang thân thương, với những tinh hoa của ruộng đồng, làng quê bốn mùa yên ả.
Hò khoan Lệ Thủy ra đời có thể nói là dựa trên đặc trưng của vùng đất mang đậm nét văn hóa đa sắc màu. Khác với nhiều nơi, dân ca là thú tiêu khiển, thậm chí chỉ phục vụ cho một tầng lớp trung lưu trở lên trong xã hội thì ở Lệ Thủy, hò khoan là của mọi người lao động, gắn liền với lao động, ai cũng có thể tham gia, càng đông càng hào hứng.
Hò khoan Lệ Thủy là loại hình dân ca rất phổ biến. Nội dung chân chất mộc mạc, sử dụng ngôn ngữ dân gian thông dụng. Các đội hò chia làm hai phe (nam nữ, hai đò, hai làng) để hò đối đáp (thi thố). Mỗi dịp lễ hội thường tổ chức thi hò đối đáp (hò khoan).
Hò khoan Lệ Thủy là đặc sản văn hóa của người Quảng Bình. Nội dung có đặc trưng sử dụng những lời ăn tiếng nói mộc mạc trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ nỗi lòng. Vì vậy, hò khoan hiện diện ở trong cuộc sống thường nhật, từ chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, kéo lưới, đẩy thuyền. Một món ăn tinh thần không thể thiếu của người lao động.
Hò khoan Lệ Thủy được quy ước rõ ràng trong kiểu cách tham gia. Bao giờ cũng có “hò cái” và “hò con”. Hò cái là người “lĩnh xướng”, còn hò con là người “đế” hay “xố” (hò theo). Người lĩnh xướng hò một mình (solo). Những người “đế” hay “xố” là tất cả đám đông có mặt tham gia.
Hò khoan Lệ Thủy gồm có chín làn điệu (dân gian gọi là chín mái): mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba mái ruỗi, mái nhì và hò nậu xăm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi).
Người ta hò mái chè, mái nện lúc cất nhà, quết vôi nện cươi (sân) và nện móng xây dựng đền chùa. Nội dung cầu mong cuộc sống vững chãi, yên ổn, quê hương gia đình ấm no.
Mái nhì hò lúc cày ruộng, xay lúa, làm đồng cầu mong được mùa, no ấm, sung túc. Hò khơi khi đánh cá, chài lưới.
Hò lĩa trâu khi làm nương, làm rẫy, kéo gỗ.
Hò đối đáp huê tình vào những dịp lễ hội, thường là vào mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ).
Về nhạc cụ, hò khoan Lệ Thủy lúc biểu diễn trên sân khấu mới dùng đến đàn nhị, sáo, trống, sanh.
Còn trong sinh hoạt bình thường (ngày mùa, chèo thuyền, kéo lưới) sử dụng làm nhạc cụ là những công cụ lao động như chày giã gạo, mõ tre, gậy, chén bát.
Kế thừa di sản
Ở Quảng Bình hiện có các làng Mỹ Lộc, Lộc An, Phú Thọ, An Xá, Cỗ Liễu, Đại Phong, Phan Xá có nhiều nghệ nhân giỏi và truyền thống hò khoan lâu đời. Loại hình dân ca này phát triển bền vững nhất ở Lệ Thủy.
Hò khoan Lệ Thủy tỏa sáng bởi một số bài bản lời hay ý đẹp, ngôn ngữ ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc. Với âm điệu phong phú, trữ tình, các bài hò khoan sử dụng lối hát mộc mạc, rõ lời, lối đối đáp chứa nhiều hàm ý, sâu sắc.
Trong ca từ, hò khoan Lệ Thủy sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ, nhấn nhá, dí dỏm làm cho ngôn ngữ cuốn hút người nghe. Nốt kết của hò con (tập thể) mở ra nốt đầu cho hò cái. Nốt kết của hò cái lại mở đầu cho hò con, không dứt.
Hò khoan bắt nguồn từ dân ca cùng với một số động tác biểu diễn nhất định. Vì thế nét độc đáo là sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa thơ ca, hò vè và âm nhạc.
Trải qua quá trình phát triển dài lâu, hò khoan đã đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn cả nhân loại.
Nhắc tới hò khoan Lệ Thủy, không thể không nhắc tới công lao của nhà nghiên cứu, nhà giáo mẫu mực Hoàng Đình Luyện.
Từ những năm 1955, ông Luyện rong ruổi khắp nơi biểu diễn, truyền bá, lăn lộn với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Sau này, các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy tài năng hầu hết đều là học trò của “thầy” Luyện. Hò khoan Lệ Thủy đã thâm nhập vào tâm huyết của biết bao thế hệ. Hồi nhỏ, tôi cùng bạn bè trong làng thường kéo nhau đi xem hò khoan mỗi dịp trăng sáng. Mùa gặt, các thanh niên nam nữ đập lúa trong đêm tổ chức hò đối đáp huê tình, phong cách mộc mạc, dân dã: “
Mây ám trăng mờ, gió đưa đèn tắt
Thương mẹ già nước mắt rưng rưng
Hỏi anh đá nặng mấy tầng?
Anh nói ra cho em rõ kẻo em ngập ngừng khó toan”.