Vùng biển Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang hiện có trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, đa số cư dân đều sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Trong số những nghề đánh bắt, nguy hiểm và vất vả nhất là nghề thợ lặn, một nghề “ăn cơm trên bờ, làm việc dưới nước”. Thế nhưng, nhiều người vẫn gắn bó với nghề và coi đó là nghiệp không thể nào từ bỏ.
Tại đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du, hòn Nghệ, hòn Tre… ngoài nghề lặn bắt cá, nghêu, cua, sò, ốc, còn có người săn tìm đồn đột (hải sâm), trùn biển, lại có một số người chuyên mò phế liệu dưới đáy biển.
Nghề lặn ốc tuy ít gian nan nhưng suốt ngày trầm mình dưới đáy biển, chịu sức ép của nước, nguy hiểm không sao lường trước.
Ông Ba Hải, một lão ngư cả đời ngang dọc trên biển đảo nói với chúng tôi: “Người dù gan dạ thế nào, khi lặn xuống biển cũng cảm thấy mình bé nhỏ trước đại dương. Ai có theo nghề vài năm là sẽ biết “đá vàng”. Tai không thúi thì cũng bị ù, ngực tức, khó thở như tui đây chẳng hạn…”.
Anh Nguyễn Thanh Hoàng ở thị trấn Dương Đông – Phú Quốc, mới 27 tuổi đời mà đã làm bạn với hà bá trên 10 năm. Anh nói: “Trước đây, cá, ốc còn nhiều, mỗi chuyến ra khơi trở về kiếm bạc triệu. Còn bây giờ vất vả lắm mới kiếm được năm mười ký ốc, bán chỉ được vài trăm ngàn”.
Anh buồn bã than: “Các loại sò, ốc có giá trị kinh tế cao như sò tộ, ốc giá, ốc nhẫy, ốc gai, sò quạt, sò điệp… ngày càng cạn kiệt nên giờ đây anh em gặp loại gì cũng bắt, miễn sao bán được nhiều tiền. Tuy nhiên, không phải lúc nào xuống biển cũng thắng trận, nhiều lúc gặp phải sóng to gió lớn phải về tay không”.
Anh Hồ Thanh Vũ cho biết, mỗi lần ra khơi, trên ghe ít nhất phải 2 người, một người lặn, một người phụ trách ống thở và bình hơi. Thời gian lặn từ sáng sớm cho đến 2, 3 giờ chiều mới vào bờ.
Thông thường mỗi đợt lặn kéo dài khoảng 1 – 2 tiếng đồng hồ tùy theo sức khỏe và cái giá lạnh, hung dữ của biển.
Trong suốt quá trình làm việc dưới đáy biển, anh em thợ lặn lúc nào cũng ngậm một đầu dây dẫn khí được truyền từ một bình hơi do chiếc máy nổ vận hành trên ghe.
Dưới nước, ai cảm thấy thiếu hơi thì nắm dây giật một cái; muốn nổi lên giật 2 cái. Ngoài ra còn có những ám hiệu riêng do mọi người cùng quy định.
Nhìn sơ qua đồ nghề, chúng tôi cảm thấy không có gì an toàn, thứ nào cũng có vẻ sơ sài, chẳng có gì gọi là chuyên nghiệp cả. Hình như các anh quá tự tin, không lường được rủi ro, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Anh Vũ cho biết, khi ghe ra xa bờ khoảng vài km, việc đầu tiên là anh em chọn điểm để lặn. Sau khi trang bị đồ nghề, tháo ống hơi cột vào người và nhảy tùm xuống biển, hoạt động ở độ sâu từ 5 – 10 sải nước. Mỗi người tự mò tìm các loài ốc biển thường kiếm ăn dưới đáy biển hoặc ẩn trú dọc theo các dãy san hô, đá ngầm, tiếng nhà nghề gọi là “rạn”.
Khi phát hiện con mồi, anh em dùng các thủ thuật nhà nghề để tóm gọn từng con cho vào giỏ lưới. Hôm nào may mắn gặp được ốc giá coi như “trúng mánh” vì đây là loại ốc to, mỗi con nặng từ 2 – 4 kg, giá 60.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Khá ở Cửa Cạn – Phú Quốc, một tay thợ lặn chuyên săn sò, ốc cho biết: “Mặc dù nghề lặn gian nan vất vả nhưng riết rồi cũng quen. Hôm nào mưa gió không ra khơi được mọi người đều cảm thấy nhớ ghe, nhớ biển”.
Từ xa xưa, ông bà mình có câu “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, vì đó là hai nghề cực khổ và nguy hiểm nhất trong cuộc mưu sinh. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của các con mà họ phải dấn thân vào cái nghề hạ bạc, ngày ngày phải chống chọi với nắng cháy, mưa nguồn, sóng to, biển động.
Một ngày như vạn ngày, khi mặt trời vừa lóe lên là các anh nuốt vội vắt xôi hoặc chén cơm trước khi xuống thuyền ra khơi. Tuy cuộc mưu sinh dưới biển thật vô cùng vất vả, lúc đầu ai cũng sợ cực, sợ khổ, sợ chết chóc, bệnh tật nhưng nỗi ám ảnh đó riết rồi cũng quên đi, tất cả vì cuộc sống và vì tình yêu biển!