Đôi điều cần biết về thực phẩm chức năng

Thực phẩm không những đáp ứng nhu cầu của cơ thể và duy trì sự sống mà còn mang thêm khả năng tăng cường sức khỏe, giảm các bệnh tật. Từ đó, người ta nghiên cứu, chế biến loại thực phẩm có tác dụng tích cực vào những nhiệm vụ khác nhau của cơ thể gọi là thực phẩm chức năng (TPCN) .

Đi tìm một định nghĩa

Vào thập niên 1980, chính phủ Nhật Bản tài trợ một chương trình nghiên cứu những ích lợi của thực phẩm đối với sức khoẻ.

Năm 1981, cụm từ TPCN (functional food) được đưa ra với ý nghĩa ban đầu là “những thực phẩm chế biến sẵn, chứa các hoạt chất có thể giúp một vài chức năng cơ thể hoàn thành nhiệm vụ khả quan hơn, ngoài công dụng dinh dưỡng đã biết”.

Nước Nhật có những tiêu chuẩn cho TPCN, gọi là thực phẩm dành riêng cho sử dụng y tế, được Bộ y tế công nhận.

Sau đó, nhiều nước khác bắt đầu chú ý tới các sản phẩm có tên gọi mới mẻ này. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức y tế lại có một định nghĩa TPCN khác nhau cùng với các quy luật của riêng nó.

Định nghĩa của Viện y học Mỹ: “TPCN là những thực phẩm chứa các chất có khả năng tốt cho sức khỏe, bao gồm bất cứ thực phẩm chế biến hoặc thành phần nào có thể cung cấp lợi ích cho sức khỏe, ngoài giá trị dinh dưỡng cố hữu của nó”.

Lưu ý là TPCN (functional food) cũng còn được gọi là thực phẩm bổ sung (dietary supplement).

Định nghĩa của y tế Canada: “TPCN có hình dáng bên ngoài tương tự như thực phẩm thông thường, ngoài khả năng dinh dưỡng cố hữu, còn phải được chứng minh một cách khoa học là có thể cung cấp những ích lợi sinh học và có khả năng giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh mãn tính”.

Tại Việt Nam, Thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/8/2004 của Bộ y tế quy định: “TPCN là thực phẩm để hỗ trợ các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh”.

Phân biệt TPCN với thực phẩm thông thường

Nếu được dùng đầy đủ và cân đối trong bữa ăn hàng ngày các loại thực phẩm thông thường như thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc, rau quả… là đã cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể (bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất).

TPCN không thể thay thế được thực phẩm thông thường trong việc cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng và các dưỡng chất cho cơ thể vì chúng thường được dùng với lượng nhỏ, chỉ giữ vai trò rất khiêm tốn trong việc điều chỉnh chức năng sinh học nào đó của cơ thể.

Do vậy không có chuyện người ta chỉ sống bằng TPCN, vì như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Phân biệt TPCN với thuốc trị bệnh

Xét về hình thức, TPCN được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau như cốm, bột hòa tan, viên nén, viên nang, ống uống… và được đóng gói trong bao bì có mẫu mã đẹp, rất bắt mắt nên dễ gây lẫn lộn với thuốc trị bệnh.

Để phân biệt TPCN với thuốc chữa bệnh, cần chú ý các điểm sau:

– Trong TPCN có thể có chứa các hoạt chất sinh học, chất vi lượng, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, hàm lượng các chất này thường rất thấp nên không có tác dụng chữa bệnh. Đối với TPCN có chứa các hoạt chất sinh học, trên nhãn mác bắt buộc phải ghi hàng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Và đã không phải là thuốc chữa bệnh thì TPCN làm sao có thể là “thần dược” trị được bá bệnh, kể cả bệnh nan y.

– Trên bao bì của sản phẩm loại này, ngoài ngày sản xuất và thời hạn sử dụng, chúng ta thường thấy có ghi số đăng ký do Cục an toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ y tế cấp. Ví dụ ghi 08/2016/CBTC có nghĩa là được đăng ký vào tháng 8 năm 2016, còn CBTC là chữ viết tắt của “công bố tiêu chuẩn”. Tiêu chuẩn chất lượng này do nhà sản xuất hoặc nhà phân phối tự xây dựng, đăng ký với Bộ y tế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mà mình đã đăng ký.

TPCN được mua bán tự do không theo quy chế nghiêm ngặt như thuốc trị bệnh. Thuốc trị bệnh chỉ được bán tại các nhà thuốc, còn TPCN được bán rộng rãi ở các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, nhà thuốc, quầy thuốc… Theo quy định hiện hành của Bộ y tế, tại các nhà thuốc, TPCN phải được trưng bày ở khu vực riêng để không bị lẫn lộn với thuốc và để dễ kiểm tra, kiểm soát.

Các điều kiện cần có của một TPCN

Theo quy định chung, một TPCN phải hội đủ các điều kiện như sau:

– Các thành phần phải có khả năng tác dụng tốt đối với các chức năng sinh hóa học của cơ thể, tăng cường sức khỏe cho người tiêu dùng, ngoài giá trị dinh dưỡng cố hữu.

– Các khả năng này phải được chứng minh bằng các thử nghiệm khoa học.

– Sản phẩm phải có đầy đủ các thành phần đã nêu ra trên bao bì.

– Phải có chứng minh rằng các thành phần cho thêm vào sản phẩm là an toàn và không gây ra các tương tác có hại.

– Vì không phải là thuốc nên không được giới thiệu là có thể chữa bệnh hay điều trị bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ, phòng tránh, tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

– Phải giới thiệu bằng từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu, không có tính cách gây hiểu lầm, lừa dối người tiêu dùng.

Tại Mỹ, TPCN được Cơ quan quản lý thực dược phẩm (FDA) kiểm soát về phẩm chất và sự an toàn bằng cách bắt buộc nhà sản xuất phải có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất), được FDA công nhận là TPCN với các dẫn chứng khoa học về ích lợi của sản phẩm.

Phân loại các TPCN

Cơ quan FDA xếp các dạng bào chế có nguồn gốc thiên nhiên và thuốc y học cổ truyền vào nhóm TPCN và quản lý theo luật về sản phẩm bổ sung dinh dưỡng ban hành ngày 25/10/1994. TPCN có một số tác dụng chính như cung cấp chất dinh dưỡng, làm đẹp cơ thể, bồi bổ sức khỏe, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật và hỗ trợ điều trị bệnh.

Về phân loại, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng cách phân loại phù hợp hơn cả là phân thành 5 nhóm chính, theo tác dụng như:

– Nhóm TPCN làm đẹp.

– Nhóm TPCN hỗ trợ điều trị bệnh.

– Nhóm TPCN tăng cường sức khỏe.

– Nhóm TPCN phục hồi sức khỏe sau ốm.

– Nhóm TPCN hỗ trợ chức năng sinh dục.

Người ta luôn quan tâm và cảnh giác với tác dụng phụ có hại của thuốc nếu dùng nhầm hoặc quá liều, nhưng lại rất lơ là với TPCN vì cho rằng chúng an toàn. Nhưng TPCN vẫn có thể gây ngộ độc nếu dùng quá liều hoặc gây tình trạng dư thừa vi chất cần bổ sung do dùng thời gian quá dài. TPCN cũng có thể gây dị ứng ở những người nhạy cảm.

BS. Ngô Văn Tuấn

Recommended For You