Khi khám bệnh, một số thầy thuốc, nhất là các lương y thường hay cho rằng người này bị “yếu gan”, người kia bị “nóng gan”… rồi bắt kiêng ăn món này, cữ uống món kia… nhiều khi rất sai lầm. Cũng không có chuyện… uống rượu bia nhiều gây nóng rồi… làm mát bằng cách uống Trà “đốc tơ”… Sau đây ta hãy tìm hiểu kỹ về lá gan và những hoạt động của gan mật để có cái nhìn đúng đắn hơn.
Gan là cơ quan quan trọng thứ nhì sau bộ não của con người, với cả ngàn chức năng trong việc phát triển và bảo tồn cơ thể. Thế nhưng trong chúng ta ít người biết hết tầm quan trọng của gan.
Ở người trưởng thành, gan nặng khoảng 1.200 g, với trên 2 tỷ tế bào mà ba phần tư thuộc loại đặc biệt: tế bào gan. Chúng đảm nhiệm tổng hợp hơn 90% chất đạm trong cơ thể.
Khi ta ăn thịt, cá, sữa, trứng… bộ máy tiêu hóa sẽ phân cắt chất đạm thành từng mảnh nhỏ: các acid amin hoặc peptid để hấp thụ vào máu. Nhưng chính nhờ có gan, các acid amin ấy mới ráp lại thành protein (thịt) của ta được. Do chức năng ấy, gan được mô tả là cơ quan thiết yếu nhất của sự sống.
Cắt bỏ bao tử được, thay thế thận nhân tạo, tim nhân tạo được nhưng cho tới nay người ta chưa thể thay bằng gan nhân tạo được (chỉ mới ghép gan động vật thay gan người vào người thôi).
Mô phổi hay mô ung thư, nổi tiếng về khả năng tăng trưởng nhanh, nhưng gan lại có khả năng tăng trưởng cao hơn nữa. Cắt bỏ ba phần tư lá gan (để lấy khối u ung thư chẳng hạn), sau 3 – 4 tháng những tế bào gan còn lại sẽ tái sinh tạo lại phần bị cắt. Không có một mô nào khác của cơ thể có thể có khả năng này. Nhờ vậy mà sau nhiều bệnh như viêm gan siêu vi, sốt rét… gan bị hủy hoại gần hết, nhưng nếu áp dụng kỹ thuật hồi sinh tốt và kịp thời, bằng cách ăn uống cân bằng dưỡng chất, nghỉ ngơi và bồi dưỡng đúng cách, phần gan chưa bị hư hủy sẽ tái tạo lá gan và sức khỏe bình phục.
Thế nhưng có những bệnh nhân xơ gan do nghiện rượu chẳng hạn, tế bào gan bị chai cứng, thoái hóa và mất khả năng tái sinh ấy, dẫn tới mất “khả năng sống”.
Gan – Nhà máy (phòng thí nghiệm)
Gan được so sánh như một nhà máy hóa học, nhưng ở đây là một nhà máy mà sự sản xuất vô cùng đa dạng (cả ngàn mặt hàng), tinh vi chưa từng thấy trong kỹ nghệ tạo bởi con người. Người thợ chính là các tế bào gan, được trang bị bằng một hệ thống enzym (diếu tố). Có ít nhất 500 enzym khác nhau để thực hiện vô số phản ứng hóa học ở gan.
Nói đến nhà máy là nói đến hoạt động chế biến và sản xuất, cùng nhu cầu nguyên liệu, cũng như chất thải, cặn bã của nó. Tất cả các việc ấy cần sự xuất và nhập nhiều chất khác nhau, thông qua sự tuần hoàn máu, đặc biệt ở hệ thống cửa hay còn gọi là sự tuần hoàn 2 ngã vào của gan.
Tĩnh mạch là cửa đưa nguyên liệu đến gan, tức là thức ăn sau khi đã tiêu hóa ở ruột.
Động mạch gan đưa đến nhiên liệu tức là oxygen (dưỡng khí) mà ta thở. Những chất chế biến, sản xuất ra sẽ được các tĩnh mạch trên gan mang về tĩnh mạch chủ để vào tim. Mật xử lý các chất cặn bã, tận dụng phế phẩm (kể cả lượng cholesterol dư thừa) để tạo nên thành phần của mật mà mỗi ngày túi mật tiết ra cả lít mật góp phần vào sự tiêu hóa thức ăn.
Nhưng sự chế biến này được thực hiện ở những đơn vị nhỏ: các tiểu thùy gan và sản phẩm làm ra được phân phối đi khắp cơ thể để điều hành sự sống. Một tổ chức phức tạp, độc đáo như vậy là để phục vụ cho hoạt động nào?
Từ khi Claude Bernard khám phá ra một trong những vai trò quan trọng của lá gan là cung cấp glucose máu (điều hòa tỷ lệ chất này trong máu: chức năng glycogen, tức gan lưu trữ glucose thừa trong máu dưới dạng glycogen và khi glucose huyết xuống thấp hơn 100 mg/ml thì gan liền biến glycogen thành glucose để bù vào, sao cho lúc nào trong máu cũng có 100 mg/100 mlhay g/l).
Những chức năng chính khác của tế bào gan cũng đã được biết. Trước tiên là nhiệm vụ tổng hợp, đặc biệt là sự tổng hợp protein (tức ráp các acid amin hoặc các chuỗi peptid từ thức ăn tiêu hóa thành protein cơ thể). Tiếp theo là nhiệm vụ khử độc (do tế bào gan đảm nhiệm) để loại trừ các chất nội chất (sinh ra trong máu) như ammoniac và ngoại chất như thuốc men, thức ăn lạ, độc tố từ thức ăn nhiễm độc…
Trên thực tế tất cả những hoạt động quan trọng của đời sống như sự hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, biến dưỡng và sự miễn dịch đều phụ thuộc chặt chẽ vào sự điều hành tốt của tế bào gan.
Mật sẽ nhũ tương hóa các acid béo tự do, savon hóa chúng để làm tăng sự hấp thu chất béo, kích thích sự vận chuyển ở thành ruột (nhờ vậy khỏi bị táo bón) và sát trùng cho khối thức ăn tiêu hóa và cặn bã còn lại (phân).
Trong tất cả các chức năng này, sự tổng hợp protein có thể là chức năng kỳ diệu nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Cơ chế, bản chất của nó hay mã di truyền ngày nay được biết rõ, nhờ rất nhiều công trình nghiên cứu.
Dù thế nào đi nữa thì tế bào gan cũng có thể tổng hợp cả ngàn loại protein khác nhau, kể cả những enzym cũng là những protein. Một số protein quan trọng đặc biệt trong cơ thể như fibrinogen (chất sinh sợi huyết), prothrombin và 3 chất gọi là yếu tố V, VII và X giúp máu của ta có thể đông lại được. Một số bệnh nặng ở gan như bệnh xơ gan khiến nó không sản xuất được các yếu tố trên và người ta chết vì bị xuất huyết trầm trọng.
Sự chưa hoàn chỉnh của gan ở trẻ sinh non cũng có thể là nguyên do của chứng xuất huyết, có khi trầm trọng, thường nhất là ở bộ tiêu hóa và thận. Người ta chữa trị bằng cách tiêm cho chúng nhiều lần những yếu tố đông máu mà gan của chúng không thể tạo được. Một protein căn bản khác là albumin, chỉ riêng mình nó đã chiếm 2/3 lượng protein trong huyết tương. Albumin có vai trò hàng đầu trong sự duy trì áp suất thẩm thấu của huyết tương: nếu huyết tương được giữ ở bên trong các mạch máu mà không rỉ lậu ra ngoài chỗ khác trong cơ thể là nhờ gan đã tổng hợp albumin đều đều để bổ sung cho máu. Nếu lượng albumin trong máu giảm do gan không chế tạo được sẽ gây rối loạn tính chất vật lý nêu trên khiến dịch chất thoát ra khỏi thành mạch dẫn đến phù nề tứ chi và phổi và sự thoát nước vào bụng gây nên chứng cổ trướng, nguyên nhân của tình trạng phình bụng nơi những người mắc bệnh xơ gan cổ trướng.
Gan cũng chế tạo các globulin miễn dịch, tức là loại protein kháng thể, giúp cơ thể chống lại những mầm bệnh (siêu vi khuẩn và vi khuẩn…).
Gan suy yếu, gan bị bệnh hoặc gan không đủ nguyên liệu (do ăn thiếu và kiêng cữ sai lầm) để chế ra globulin miễn dịch đều là nguyên do giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Chót hết, tế bào gan là nơi tổng hợp (sản xuất) các enzym và đó không phải là những hoạt động ít quan trọng của gan. Trong cơ chế có ít nhất 500 enzym khác nhau, phần lớn do gan tổng hợp.
Tế bào gan là tế bào duy nhất của cơ thể có sức tập trung nhiều enzym nhất. Những enzym này đóng vai trò xúc tác cho hầu hết các phản ứng sinh hóa học xảy ra trong cơ thể, như hoạt động của sự tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, biến dưỡng cũng như bài tiết và ngay cả các hoạt động của hệ thần kinh hoặc để chống lại các kháng nguyên gây dị ứng…
Nếu gan yếu hay bị bệnh không chế tạo được enzym hoặc vì thiếu ăn, suy dinh dưỡng, sai dinh dưỡng, không đủ nguyên liệu để sản xuất ra enzym thì cơ thể sẽ bị trục trặc (bị bệnh) liên quan đến phản ứng của vô số enzym đó.
Thí dụ trường hợp dị ứng do thức ăn hay do suyễn vì một loại phấn hoa hay thịt gà chẳng hạn, chính là gan không chế tạo được enzym để phân hủy chất lạ khi vào cơ thể.
Dị ứng là những chứng gây nhiều rắc rối cho sắc diện như nổi mề đay, eczema (chàm dị ứng), có trường hợp bị bệnh mà gan sản xuất quá nhiều enzym mà ta có thể định phân được trong máu. Thí dụ lượng transaminase cao trong bệnh viêm gan siêu vi hoặc phosphatase kiềm cao trong các bệnh nhiễm trùng ống mật… ATPaz (phosphataz) không đủ trong chứng gầy kinh niên.
Gan cũng là nơi tổng hợp hầu hết lượng cholesterol trong máu, là chất căn bản để tổng hợp các nội tiết tố khác nhau, kể cả kích thích tố sinh dục, sinh tố D… nhưng chính gan cũng có chức phận chống lại chứng tăng cholesterol trong máu và muốn vậy gan biến đổi cholesterol thành muối mật để rồi theo mật vào ruột non hàng ngày giúp sự tiêu hóa thức ăn nhất là chất béo. Nếu vì lẽ gì khiến cho gan yếu hay bị bệnh không điều hòa được lượng cholesterol trong máu thì chất này sẽ đóng ở thành mạch gây nên chứng xơ vữa động mạch rất nguy hiểm sau tuổi trung niên (do ăn quá nhiều thịt mỡ chẳng hạn).
(Còn tiếp)
BS. VĨNH KHÁNH – DS. PHAN ĐỨC BÌNH – DS. DIỆU PHƯƠNG