Những ngôi nhà mái gianh, những mành tre, liếp tre, rào tre… nét đặt trưng của làng quê xưa tưởng chỉ còn trong ký ức của lớp người trung niên và người cao tuổi, chợt ngỡ ngàng được “gặp lại” nơi cửa Phật linh thiêng khi đến một số chùa cầu an, vãng cảnh.
Những ngày đầu Xuân năm mới, một trong những địa điểm được người dân và du khách chọn đến nhiều nhất là các ngôi chùa để lễ Phật cầu sức khỏe, bình an, may mắn, hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của phần lớn người dân Việt Nam.
Ngoài lễ Phật cầu an, vãng cảnh, hiện nhiều người đi chùa (nhất là các bạn trẻ) còn dành nhiều thời gian chọn cảnh, chọn góc… để chụp cho mình những tấm ảnh đẹp chia sẻ, giới thiệu với bạn bè, người thân hoặc giữ làm kỷ niệm…
Nắm bắt được nhu cầu của phật tử và du khách, trước thềm năm mới, nhiều chùa sang sửa, chỉnh trang, trang trí cảnh sắc tươi đẹp để đón phật tử, người dân đến lễ chùa trong những ngày đầu Xuân mới.
Ngoài cờ Phật, đèn hoa, đèn lồng, cây cảnh, hoa tươi… có chùa còn dựng cổng chùa bằng tranh tre, trong chùa lại dựng những chiếc lầu nhỏ bằng tre, lợp rơm; trên vách có treo tràng pháo Tết làm bằng giấy đỏ; vách ngoài treo đèn lồng, câu đối; trên bàn để bánh chưng xanh… tạo cho phật tử và du khách chút ngỡ ngàng, lắng đọng khi thấy lại nét quê xưa khi tới cửa Phật cầu an, du xuân.
“Gặp lại” những liếp nứa, tre… cảm nhận chung của du khách và phật tử lớn tuổi khi chia sẻ là chợt thấy lòng nao nao, bỗng nhớ về quê xưa trong bao niềm xúc động dâng trào.
Quê xưa, thời kỳ còn nhiều khó khăn, vất vả, làng nhiều nhà tranh vách đất mưa dột, gió lùa. Mùa mưa bão đến, nhà nghèo luôn mang trong lòng nỗi lo gió thổi tốc tung, bay mất mái nhà… Quê nghèo, nhưng tình người không nghèo.
Bão tan, nhà nào tốc mái, bay mái mọi người trong xóm, trong thôn tập trung đến giúp đỡ sửa chữa nhiệt tình… “Tháng ba ngày tám” chung cảnh chạy ăn từng bữa nhưng hàng xóm láng giềng sẵn sàng chia sẻ cho nhau từng bò gạo, củ khoai… Luôn gần gũi và gắn bó với cuộc sống hằng ngày của những người dân quê ngày trước còn có những mành tre treo trước hiên nhà để chắn mưa, che nắng… Theo thời gian, mành tre có những chỗ bị rách, chỗ bị gẫy… người lớn bận việc, khan tiền chưa kịp thay… trẻ con qua lại tiện tay bẻ rách thêm từng đoạn…
Những nét quê xưa bình dị mà gắn bó, thân thương tưởng đã lùi sâu vào quá khứ vậy mà khi gặp lại vẫn thấy thật gần gũi, thân quen, như chỉ gần mới đây thôi…
Các bạn trẻ giờ sinh ra và lớn lên khi quê nhà đã thực sự “thay da đổi thịt”, đã quen với cảnh đường làng, ngõ xóm khang trang, rộng rãi, sáng ánh điện đêm. Quen với những ngôi nhà kiên cố, cao tầng, bên trong có giường ấm, nệm êm, với ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa… Gặp lại nét quê xưa nơi cửa Phật chính là dịp để lắng lòng, sống chậm lại để lắng nghe, tìm hiểu và thấu hiểu về cuộc sống của ông bà, cha mẹ thời kỳ trước. Từ đó thêm trân trọng, biết ơn những nỗ lực cố gắng không ngừng của biết bao thế hệ đi trước để cháu con có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Qua đó, cũng nhận thấy trách nhiệm của tuổi trẻ trong tiếp nối truyền thống cha anh, góp tài, góp sức xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới…
Nét quê xưa nơi cửa Phật cho mỗi người, mỗi thế hệ một sự cảm nhận riêng, nhưng nét chung đọng trong lòng mỗi người đó là tình yêu quê hương sâu sắc; là nỗi nhớ và ý thức tôn trọng, luôn về hướng về nguồn cội trong cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại, văn minh, giàu mạnh hơn.
Phạm Hiền
- Hình bìa: Lầu tre, mái gianh được dựng trong chùa Hòa Lạc, Lam Hạ, Phủ Lý. Ảnh: Thanh Châu
Nguồn: Báo Hà Nam điện tử