Giá trị thiêng liêng

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hằng năm là một ngày Quốc lễ, ẩn chứa những giá trị tinh thần thiêng liêng, cao quý của một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Truyền thuyết người mẹ khởi nguyên Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm trứng, nở ra một trăm người con trai, một nửa ở vùng cao – vùng núi, một nửa ở vùng biển – vùng đồng bằng – tượng trưng cho toàn thể dân tộc chung một cội nguồn, hình thành nên “nghĩa đồng bào” thiêng liêng, sâu nặng.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

hay

“Tuy rằng xứ Bắc, xứ Đông
Khắp trong bờ cõi cũng dòng anh em”,

“Anh em cốt nhục đồng bào
Kẻ sau người trước, thuận hòa cho vui”…

Đó là những câu ca phản ánh quan niệm sống yêu thương, đùm bọc trong cộng đồng của người Việt. Đó là một giá trị trường tồn.

Bắt nguồn từ truyền thống thờ cúng tổ tiên, người Việt đã tôn vinh các Vua Hùng là thủy tổ chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và gìn giữ hương khói từ đời này qua đời khác, với tinh thần

“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”.

Trong đời sống hiện nay của thế giới nói chung rất phức tạp, ẩn chứa nhiều xung đột, mâu thuẫn, nhiều nguy cơ chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa… thì tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng nhau hướng về những giá trị chung của lòng biết ơn nguồn cội, tổ tiên của người Việt nổi bật một giá trị tinh thần đặc biệt quý báu.

Chính vì thế, các nghi lễ thờ cúng Vua Hùng trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, đến nay đã mang tầm vóc quốc tế, qua sự kiện UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012.

UNESCO nhận định: Thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tri ân tổ tiên nhằm nâng cao niềm tự hào và cố kết xã hội, đồng thời khuyến khích các cộng đồng nhận thức được sự tương đồng trong khi nâng cao sự đa dạng văn hóa. Như vậy, những giá trị tinh thần qua tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã mang giá trị nhân loại, vượt qua ranh giới địa lý và văn hóa của mỗi quốc gia.

Qua lớp sương mù huyền thoại, các nghiên cứu đã cho chúng ta thấy: Thời đại Hùng Vương mà sử thành văn đã chép có niên đại khoảng từ cuối Thiên niên kỷ thứ III TCN đến Thế kỷ thứ 3 TCN, tương ứng với khoảng thời gian này là sự tồn tại của thời đại đồng thau mà khảo cổ học đã phát hiện ra các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn. Chính trên nền tảng của văn hóa Đông Sơn mà hình thành nên nhà nước Văn Lang.

Thời đại Hùng Vương đánh dấu sự chuyển biến kinh tế – xã hội từ nguyên thủy sang văn minh. Cư dân đã chiếm lĩnh vùng đất cao châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Cả, những vùng đất phù sa màu mỡ dần được khai thác trong quá trình chinh phục rừng rậm, đầm lầy. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nước dư thừa, đất đai phì nhiêu bên các con sông lớn của Đồng bằng Bắc Bộ và Đồng bằng Trung bộ rất thuận lợi cho việc trồng lúa nước và hình thành nền Văn minh lúa nước.

Nền văn minh lúa nước là chiếc nôi để hình thành cộng đồng cư dân có lối sống định cư, định canh và các giá trị văn hoá, đặc biệt là văn hóa làng xã, nơi ấp ủ trao truyền những phong tục, tập quán tốt đẹp ngàn năm.

Nước Văn Lang và sau đó là nước Âu Lạc đã mở đầu thời kỳ dựng nước và giữ nước vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Các kết quả khảo cổ phát hiện nhiều loại vũ khí bằng đồng thau cho thấy các cư dân Lạc Việt đã phòng bị, cảnh giác trước nạn ngoại xâm.

Vì vậy, hướng về Đền Hùng lịch sử, chúng ta còn tiếp nhận được bài học ngàn năm về chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống ấm no và tạo dựng nền văn hóa, văn minh mang bản sắc Việt và bài học về không ngừng cảnh giác, nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc mỗi khi có nguy cơ bị xâm lăng.

Những bài học ngàn năm ấy không bao giờ cũ.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam | Thái Vũ

Hình minh họa: Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) hằng năm là một ngày Quốc lễ, hàng vạn người lại về Đền Hùng để chung lòng biết ơn nguồn cội. (Ảnh: Trung Kiên).

Recommended For You