Giàu để làm gì?

Nhiều bậc phụ huynh vẫn không quên ngày làm lễ thôi nôi, đầy tháng cho con. Ngoài các lễ vật như xôi, chè, rượu trà, hoa quả; còn có thêm gương, lược, viết, tập sách, tiền, kéo… Sau khi cúng lễ, vật dụng nào được đứa trẻ cầm trên tay trước tiên, bố mẹ tin rằng đó là sự chọn lựa nghề nghiệp của nó trong tương lai. Nếu đứa trẻ cầm lấy cây bút, tập sách ắt mọi người cùng vỗ tay hoan nghênh, vui sướng vì mai sau, nó ắt sẽ theo nghiệp bút nghiên, siêng năng học hành…

Đọc hồi ký của nhà văn Sơn Nam, ta biết, theo phong tục ở quê ông thì đứa trẻ được cha mẹ ẵm bồng đến chùa Khơme nhân dịp lễ Chô Thơ Mo. Trước bệ Phật, tại chánh điện, sư thầy đào một hố khá to, bố mẹ ước mơ con mình về sau theo nghề gì thì bỏ vật dụng nghề nghiệp xuống đó. Cũng như nhiều phụ huynh khác, bà mẹ Sơn Nam bỏ xuống đó cây viết, bình đựng mực, cái tập giấy và cầu trời, khấn Phật cho con mình mai sau ăn học thành tài.

Có phải chỉ riêng dân dân tộc Việt mới có niềm kiêu hãnh:

“Chẳng ham ruộng cả ao liền
Ham vì cái bút cái nghiên anh đồ”?

Không, bất kỳ màu da, dân tộc nào trên trái đất này cũng có suy nghĩ đó, tức là mong muốn con mình về sau được học hành đến nơi, đến chốn. Học cũng là một cách để thoát khỏi nghèo đói. Và một đứa trẻ có giáo dục đàng hoàng, mai sau ắt trở thành người hữu ích cho xã hội.

Thế nhưng, trong chừng mươi năm trở lại đây, quan niệm hướng thiện và tích cực đó đã có nhiều thay đổi. Làm sao không đắng lòng khi nghe câu cửa miệng: “Văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền”?

Trong quan hệ xã hội, sự nể nang, trọng vọng không phải có được bao nhiêu giấy khen, bằng khen thành tích học tập mà lại là:

“Ti vi, tủ lạnh, hon đa
Có ba thứ ấy mới ra con người”

hay “ngàn lời em nói không bằng tiếng khói xì po”…(!?).

Ngày xưa một người đỗ trạng là niềm vinh dự cho làng xã; ai đó được học bổng du học nước ngoài là hàng xóm, bạn bè thán phục, bố mẹ hãnh diện.

Nay đã khác lắm rồi, chẳng hạn, phải là “Nhà mặt phố, bố làm quan”, Có như thế, con người ta mới dễ dàng kiếm chác được tiền.

Đã có đầy đủ tiền, thừa sức đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết nhưng rồi, không ít người vẫn bằng mọi cách kiếm tiền nhiều hơn nữa.

Bi kịch của con người không phải giàu hay nghèo, chính ở chỗ không biết đâu là điểm dừng.

Mọi sự tham lam thái quá đều phải trả giá, nhất là không biết có tiền bao nhiêu là đủ, do đó, lúc nào họ cũng thấy thiếu và cứ mải mê lao theo đồng tiền.

Tôi từng nghe kể câu chuyện, ngày xửa ngày xưa có một ông phú hộ giàu có, vườn tược, hoa màu, cây trái thừa sức đem lại cuộc sống đầy đủ, thỏa mái. ấm no. Bỗng một ngày, có người từ phương xa đến và bảo rằng: “Ông sẽ trở nên người giàu nhất thiên hạ, nếu nghe theo lời tôi”.

Ông phú hộ mừng rỡ: “Làm theo cách nào, thưa ngài?”.

Người đó mới nói rằng: “Tôi đang giữ tấm sơ đồ thời cổ nên biết dưới nền đất này là kho báu, người xưa đã cất giấu vô số kim cương, vàng bạc”.

Từ đó, ông phú hộ bỏ bê việc ruộng nương, mùa màng để đào xới mảnh đất đang trú ngụ yên lành bấy lâu. Cuối cùng, ông không tìm thấy gì ngoài thân tàn ma dại và tài sản ngày càng khánh kiệt.

Tuy vậy, trường hợp này vẫn còn khá hơn nhiều người khác, bởi cũng do không biết điểm dừng nên đã lao vào vòng lao lý.

Cuối cùng, họ nghiệm ra rằng, hạnh phúc, niềm vui sống ở đời không phải nhiều tiền mà chính là được tận hưởng sự tự do. Lúc ấy đã đủ tiền, thừa sức sống phong lưu, dư dả hết đời con sang đời cháu nhưng tại sao vẫn cứ phải hùng hục kiếm tiền bằng mọi giá, kể cách “lách luật”, lừa đảo để cuối cùng thảm hại thế này? Nếu “ngộ” ra sớm hơn, chắc chắn đã không rơi vào hố thẳm đáng tiếc…

Chị bạn của tôi – một nhân vật lẫy lừng trên thị trường xuất khẩu. Trước đây, do chê chị nghèo, anh chồng bạc nghĩa, bội tình tếch theo cô khác, bỏ mặc mẹ con chị bữa đói bữa no. Vì thế, chị quyết tâm làm giàu như một cách trả thù sự bội bạc, tệ hại kia.

Và nhất là phải có tài sản để lại cho con cái. Con gái chị giàu sang như bà hoàng, thử hỏi, có rể nào dám “trở mặt” như chồng chị? Mục đích làm giàu của chị là xác đáng, đáng khen. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là sau khi lao vào thương trường, chị lại không biết điểm dừng. Mải mê chạy theo đồng tiền, chị bỏ bê việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Đến lúc giật mình nhìn lại…Hỡi ôi!

Quyển hồi ký Tâm Sida, hiện nay, có đạo diễn đang chuyển thể thành phim truyền hình, trong đó, tác giả nhấn mạnh: “Cha, mẹ lo làm giàu và cho con mình xài tiền quá sớm.

Họ cho tiền mà không cần biết con sử dụng đồng tiền đó như thế nào.

Đa phần họ cho rằng, trước đây gia đình khó khăn, con cái thiệt thòi, vì thế khi có của ăn của để, họ cần tạo mọi điều kiện để con cái không bị thua kém bạn bè.

Có nhiều tiền một cách dễ dàng, trẻ nhanh chóng rơi vào con đường xấu, tụ tập hút chích ma túy… Đến khi cha mẹ phát hiện ra thì quá muộn”.

Thời tôi còn đi học phổ thông, có lần thầy giáo hỏi: “Giàu để làm gì?”.

Chúng tôi đều đưa ra nhiều “đáp án” khác nhau và tranh cãi nhau vì ai cũng cho ý kiến của mình là đúng. Thầy tôi chỉ mỉm cười rồi kể lại câu chuyện: Trong ngôi làng nọ, có gia đình thuộc hạng “danh gia vọng tộc”, trải qua mấy đời liền đều giàu sang phú quý.

Thế nhưng người dân trong làng lại xa lánh, ghẻ lạnh vì toàn bộ ruộng đất canh tác, họ đều thuê lại của gia đình này, phải chịu mức thuế nặng nề. Nếu ai thiếu hoặc đóng thuế sai kỳ hạn thì bị chủ đất mắng nhiếc, nọc ra đánh đập tàn nhẫn. Không ít người độc miệng rủa cha con nhà đó chết quách đi cho rồi! Quả nhiên, ngày kia ông bố qua đời. Cả làng đều dửng dưng, không một ai thèm lui tới hỏi han, chia buồn.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà vợ của người đã khuất quyết định một việc làm táo bạo, chưa hề xẩy ra bao giờ. Bà sai gia nô đi kêu gọi tất cả người nghèo đói đến nhà, hay tin, thiên hạ ùn ùn kéo đến. Tự tay bà phát gạo bấy lâu đã dự trữ trong kho. Ai nấy đều cảm động, sụt sùi rơi nước mắt trước vì họ không thể tượng tượng nổi.

Sau nhiều ngày phát gạo, nhìn cái kho trống trơn, các người con đay nghiến, cằn nhằn: “Cha con cả đời dành dụm mà mẹ lại phá tan hết”.

Bà mẹ mỉm cười: “Của cải cha con chỉ có một nơi cất giữ là cái kho trong nhà; còn ta, ta cất giữ ở nơi tấm lòng của mọi người. Các con hãy xem ta nói có đúng không”.

Quả nhiên như một phép lạ. Của cải bà đã cho đi mà đến đến nhiều đời sau, con cái, dòng tộc gia đình ấy vẫn còn được tiếng thơm, ơn nghĩa của người đời…

LÊ MINH QUỐC

Recommended For You