Không riêng gì giới trẻ, nhiều du khách thuộc mọi lứa tuổi cũng mê hoa cải. Họ đến vùng ngoại ô Hà Nội hoặc những tỉnh lân cận để tham quan, ngắm hoa cải, chụp ảnh… như để nhớ lại những ký ức tuổi thơ chốn làng quê. Dường như ai cũng thích thú, yêu đời hơn khi được hòa mình vào thiên nhiên.
Điểm “check in” của khách du lịch
Những năm gần đây, giới trẻ Hà thành có thêm một trào lưu mới là “check in hoa cải”. Cứ vào tháng 11, 12 là có thể tụ tập bạn bè, kéo nhau ra ngoại thành chụp ảnh hoa cải. Những địa điểm yêu thích là đê làng Phù Đổng (Gia Lâm), vườn hoa cải Trường Đại học Nông nghiệp I (Trâu Quỳ). Nhưng thu hút nhất vẫn là đê sông Đuống, mạn Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Tất nhiên, chẳng riêng gì giới trẻ, có rất nhiều du khách thuộc mọi lứa tuổi, giới tính, thành phần xã hội khác nhau cũng mê hoa cải. Họ đến để tham quan, ngắm hoa, chụp ảnh, nhớ lại những ký ức tuổi thơ chốn làng quê. Dường như ai cũng thích thú, yêu đời hơn khi được hòa mình vào thiên nhiên.
Thực tế, nhiêu năm gần đây, nắm bắt nhu cầu của xã hội, người dân các vùng ven đê đã trồng những ruộng hoa theo luống, chăm sóc hoa cẩn thận, đặt thêm những phụ kiện như thang chữ A, xe đạp, nón, mũ… phục vụ người đến chụp ảnh. Chỉ với khoảng 20-30 ngàn đồng mỗi người, các bạn trẻ có thể tha hồ tạo dáng chụp ảnh cùng hoa.
Hình ảnh những ruộng hoa cải vàng bát ngát bên sông thật thân thương, bình dị, gợi lên trong lòng mỗi người tình yêu quê hương đất nước. Những cánh hoa quê mỏng manh đua nở giữa cái giá rét của mùa đông đã đi vào bài hát, trở thành biểu tượng mùa đông của mùa hoa Hà Nội. – “Rực rỡ cuối đông cải vàng ven sông…” (Hà Nội 12 mùa hoa – Giáng Son)
Đa số các điểm trồng hoa cải ven sông đều tổ chức thu tiên người đến chụp ảnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều ruộng bên sông, người dân miễn phí. Khách đến chụp ảnh chỉ cần xin phép chủ vườn và giữ gìn vệ sinh, giữ cho những vạt hoa không bị dập nát là có thể thoải mái chụp ảnh.
Có nhiều loại hoa cải để du khách lựa chọn, như cải ngồng, cải bẹ có màu vàng tươi thắm, cành mỏng manh, mọc thành chùm tí tẹo vươn lên đón ánh nắng; hoa cải củ thì có màu trắng tím tinh khôi, cánh hoa lớn và cứng cáp hơn; còn hoa cải cúc giống dã quỳ nhỏ nhắn và xinh xắn…
Hoa cải vàng thường nở vào mùa đông, vòng đời không dài, chỉ khoảng 20 ngày. Vì vậy, muốn chụp được những khoảnh khắc đẹp nhất của hoa cải vàng, nên đi vào giữa tháng 11 đến đầu tháng 12. Muộn hơn, có thể chụp cải trắng hay cải cúc. Mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng nhưng đều giống nhau ở vẻ hoang dã, tươi thắm.
Hoa cải mang vẻ đẹp đậm hồn quê giữa chốn phồn hoa, hòa mình trong ruộng cải sẽ thấy vẻ mới lạ và thôn dã, chính điều đó đã thu hút khách tham quan, du lịch.
Bức tranh quê lãng mạn
Từ trung tâm thành phố khoảng hơn 10km, theo quốc lộ 5B, men theo bờ đê sông Đuống, từ ngã tư Cổ Bi hoặc dọc đường quốc lộ 18B qua chùa Keo, ta như choáng ngợp bởi sắc vàng rực của những triền hoa cải miên man. Trên những bãi đất bồi phù sa màu mỡ, những ruộng hoa cải thi nhau đua sắc, tạo thành những bức tranh quê lãng mạn đầy màu sắc.
Hằng năm, từ tháng Tám âm lịch, người ta đã làm đất để gieo hạt cải. Cải dễ trồng nên chỉ dăm bữa, nửa tháng là đã xanh tốt. Cải cũng là loại rau được người dân thành phố ưa chuộng vì nó ngọt lành lại rẻ tiền. Nguồn thu từ rau cải cũng đủ để người nông dân trang trải vụ cuối năm. Khi rau cải già thì người ta để nó mọc cao lên lấy giống cho vụ sau.
Bắt đầu khi cải ra hoa là thời gian đẹp nhất. Bờ sông Đuống vốn nổi tiếng đẹp và yên bình lại càng thu hút du khách hơn. Hoa cải cứ nở rực rỡ, tươi hớn hở, luống hoa cao hơn cả đầu người tạo thành một triền đê dài mãi. Sắc vàng trải khắp những cung đường, du khách có thể dừng bất kỳ đâu để thả hồn ngắm những thảm hoa.
Đi giữa triền đê sông Đuống mới cảm nhận rõ câu thơ “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh…”. Dòng lấp lánh này có lẽ là màu vàng của hoa cải ven sông.
Trong tiết lành lạnh đầu đông, khi thu đã qua mà xuân chưa tới, những ruộng hoa cải nở rộ cả khoảng trời. Hai bên bờ sông là cảnh làng mạc xinh đẹp, bình yên rất đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ…
Một vài địa điểm hoa cải đẹp được du khách ưa chuộng:
– Đê làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Từ trung tâm đi qua cầu Chương Dương, đi tiếp qua cầu sông Đuống gần 200m thì rẽ phải theo đường đê về cầu Phù Đổng.
– Cánh đồng Yên Viên, Gia Lâm.
– Thị trấn Trâu Quỳ, rẽ tay phải trước cổng Trường Đại học Nông nghiệp 1.
– Dọc theo bờ sông Đuống (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), gần chùa Dâu, chùa Keo.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới