Vùng Thất Sơn (An Giang) chứa đựng nhiều huyền thoại mà con người chưa khám phá hết Nơi đây, duy nhất vùng ĐBSCL còn nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hơn 600 – 700 năm được dân làng gọi “ông cây”. Xoay quanh ” ông cây” là những câu chuyện huyền thoại xen lẫn đời thật ai nghe qua, nhìn thấy tận mắt đều ngỡ ngàng. Tôi và một ông bạn già biết tiếng Khơmer len lỏi qua những xóm làng tìm sự thật về “thần cây” linh thiêng này.
Chúng tôi khởi hành từ Châu Đốc lúc thành phố còn say ngủ, cánh đồng biên giới mờ sương và gió lạnh, những cánh đồng mênh mông nước nổi. Mấy khóm điên điển nở bung những nụ hoa vàng làm duyên. Bóng núi nhấp nhô, từng hàng thốt nốt nối nhau thẳng đứng như mấy tên lính hầu chăm ngoan. Chạy về phía làng, qua mấy nẻo quanh hỏi danh mấy “ông cây” ai cũng biết. Uy nghiêm, thần thế ngay trước chùa Thới Sơn (Ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, H. Tịnh Biên, An Giang) là cây lâm vồ linh thiêng hàng trăm năm tuổi.
Vòng cây tới 9 người lớn bao quanh mới giáp. Rễ của cây kéo dài tới nhà lồng chợ mang tên cổ thụ Lâm Vồ cách đó hàng chục mét. Như muốn chứng tỏ sự “bất diệt” của mình, rễ lâm vồ vươn khắp nơi, rễ tới đâu mọc thành cây tới đó. Cây lâm vồ linh thiêng không chỉ tuổi đời trăm năm mà còn được người dân tôn kính vì đó là di sản do Đức Thầy Tây An trồng khi cùng đệ tử khai phá vùng đất hoang này. Trải qua hai cuộc kháng chiến, cây vẫn hiên ngang vươn cành che mát một góc trời. Thời đó dân làng thưa lắm, cây lớn um tùm ai đi ngang qua cũng khép mình.
Ông Đào Mạnh Hùng, cư dân lâu năm nơi này kể rằng: “Cây cổ thụ này được người dân thờ cúng như vị thần, có người khấn vái đạt thành mua lễ vật tới cúng. Mấy cành xòe quá thấp, muốn tỉa bớt phải vào chùa xin keo chứ không ai dám tự ý cắt đâu. Mùa hành hương, người tứ phương kéo về, sau khi lễ chùa thường ra cây cúng nghiêm trang lắm”. Mùa mưa cây xanh tốt, những đêm tối gió mạnh, tiếng lá cây réo rắc nghe rợn cả người, ai qua cũng phải sợ. Ngày xưa, mấy tên lính vô ý thấy cây mát vào dừng chân rồi “xả nước”…mấy hôm sau, tên lính đó trúng đạn. Cây không chỉ “trừng phạt” mà biết chở che, theo lời ông Hùng, sau này mở đường, cây lâm vồ đứng ở ngã ba, người chạy xe đêm bất cẩn lao vào cây té lăn nhưng chưa ai bị nạn gì. Từ những câu chuyện như thế, dân làng càng đặt niềm tin và lập miếu thờ “ông cây” cho tới ngày nay.
Bất cứ khách thập phương nào có dịp lên Ba Chúc ngang qua ấp Phô Thi, xã An Cư (H. Tịnh Biên) đều thấy cây cổ thụ khổng lồ gốc rễ xù xì đứng oai nghiêm được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”. Đó là cây dầu hơn 600 năm tuổi, điều đặc biệt của cây cổ thụ này không chỉ trăm năm mà con “cưu mang” rất nhiều linh hồn. Chính thân cây này đã ôm vào lòng nó rất nhiều hài cốt con người qua nhiều năm tháng. Chiều lạnh, con đường khá vắng, một không khí nặng nề bao quanh dưới tàn cây.
Cành cây vặn mình như mấy con rắn khổng lồ, rễ cây biến hóa thành những hình thù ký quái lúc chìm lúc nổi. Chúng tôi ghé qua căn chòi nhỏ gần đó nghe ông Châu En và những người thân của ông kể bằng tiếng Khơmer: “Đây là cây thiêng, như thần không ai dám đụng tới. Dân có sau cây này nên không biết ai trồng, lúc trước có hai người tới định cưa cây nhưng không thể cưa được..!”.
Ở xóm này, chẳng ai dạm động đến cây hết.Xóm có người chết đem tới gốc cây này thiêu rồi gởi cốt vào trong cây luôn. Theo lời kể ông Châu En, xưa thân cây bọng (rỗng) 3 người chui vào được, qua nhiều năm người dân gởi xương cốt vào đến chật kín, cây lớn dần bao trùm hết nên không còn thấy bọng nữa. Ngay dưới gốc cây này có 3 miếu thờ, người mua bán ngang đây hay dừng xe khấn cúng. Trước khi rời đi, chúng tôi mời ông En đến gần gốc cổ thụ chụp hình lưu niệm thì ông một mực từ chối, vì tin rằng “linh hồn chưa cho phép”.
(Còn tiếp)