Lưu ý cần thiết khi trồng lan mokara

Lan mokara đang phát triển mạnh ở huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi (TP. HCM), thuộc nhóm cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố, cho giá trị thu nhập cao. Để trồng lan mokara thành công, ngoài yếu tố kỹ thuật, người trồng chú ý cách chăm sóc cho lan phát triển tốt, cây ra hoa đạt yêu cầu.

Theo kinh nghiệm của nghệ nhân trồng lan mokara lâu năm Lê Minh Tân (Vĩnh Lộc, Bình Chánh), cây lan mokara thích hợp nhiều vùng đất, tuy nhiên để cây phát triển khỏe, cho chuỗi bông dài cần chú ý nhiều yếu tố liên quan. Ngay khi thiết kế vườn trồng, nên thiết kế hàng nằm ngang với hướng đông – tây để nhận ánh sáng nhiều hơn.

Lan mokara rất thích vỏ đậu khi phát triển vùng rễ nên cần thiết có vỏ đậu, nên chọn vỏ đậu trồng ở Tây Ninh hoặc Tây Nguyên vì vỏ dày lâu mục, ít nhất là 3 năm mới bổ sung thêm. Nên lấy vỏ còn nguyên, không nên lấy vỏ mục. Vỏ đem về không cho vào hố ngay mà xả nước rửa sạch càng tốt, đến khi thấy nước xả trong, không còn màu là được. Sau đó để ráo, xử lý nấm và mọt trước khi trồng.

Chọn cây giống khỏe, không xuất hiện vết bệnh, có thể chọn nguồn giống nhập từ Thái Lan hoặc từ nhà vườn. Giống mua về không nên trồng ngay, phải để nơi có nhiệt độ phù hợp và xử lý nấm bệnh, treo ráo trước khi trồng. Phân loại cùng kích cỡ để vườn có độ đồng đều. Cắt bỏ phần rễ bị gãy hoặc khô, phần gốc bị đen, bôi sơn vào gốc.

Khi trồng, lưu ý cột cây giống cao hơn vỏ đậu 5 cm, không được dùng vỏ đậu lấp rễ, cột cây này cách cây kia giao lá với nhau là được, trồng dọc theo hàng giúp cây nhận ánh sáng tối đa và đồng đều, độ thông thoáng cao. Trồng mùa nắng nên che hai lớp lưới.

Để cây phục hồi và phát triển nhanh, sau khi trồng có thể phun phân bón lá, nên chọn phân sinh học, hữu cơ từ cá biển, rong biển, có thể bổ sung chất kích rễ và phân hóa học (NPK 20-20-15) nhưng liều vừa phải. Phun phân bón lá 7 ngày/lần, kết hợp thuốc ngừa bệnh. Sử dụng theo hướng dẫn bao bì, khi cây bén rễ vào chất trồng thì ngưng kích rễ.

Chế độ phân bón cho cây lan mokara quan trọng, không nên lạm dụng quá nhiều phân hóa học NPK, DAP… Nhiều nhà vườn mới trồng thường xuyên bón hóa học và phun chất kích thích, thấy cây lan phát triển nhanh càng phun nhiều hơn…Khi cây lan còn tơ, có thể háo ăn phân để tăng vọt… nhưng khi cây vào kinh doanh, cho hoa thì biểu hiện suy yếu, dễ bệnh, năng suất bông không đạt.

Khi cây bám rễ thì bón phân gốc kết hợp phun qua lá, bón gốc định kỳ 20 – 30 ngày/lần tùy thực tế cây, ngoài bón phân hóa học NPK 30-15-15 cần tăng cường bón thêm phân hữu cơ (ủ hoai hoặc đóng bao sẵn), phân trùn quế… vào luống trồng. Tưới bổ sung thêm phân hữu cơ gốc, phân dưỡng rễ, phân trung vi lượng cho rễ chắc khỏe. Bón nhiều hữu cơ cây lan khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, ít bệnh, chống chịu tốt khi thời tiết bất lợi như nắng gắt hay mưa nhiều.

Lan mokara phát triển khỏe nhưng vẫn chú ý phòng bệnh, nhất là mùa mưa, ngày mưa dầm. Theo dõi mỗi ngày để xử lý bệnh hại, có thể phun ngừa và bổ sung phân sinh học tăng sức đề kháng cho cây.

P. DUY

Recommended For You