Khám phá hòn Đá Bạc, Cà Mau

    Nối liền vàm Đá Bạc của xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (cách TP. Cà Mau khoảng 70 km) với hòn Đá Bạc nằm chơ vơ ngoài biển bây giờ là một cây cầu đúc bằng xi măng có 2 làn đường cùng hệ thống đèn điện thẳng tắp dài hơn 1.000 m rất kiên cố. Ít ai biết, trước đây hòn Đá Bạc nằm cách xa bờ xã Khánh Bình Tây đến hơn 4,2 km.

    Người dân huyện Trần Văn Thời muốn ra ngoài hòn phải có tàu, ghe. Những năm gần đây, vàm Đá Bạc được bồi tụ, lấn dần ra biển hình thành thêm một ấp chài mới, níu gần ra hòn Đá Bạc.

    Với diện tích không lớn lắm, chỉ 6,34 ha, hòn Đá Bạc bao gồm: hòn Ông Ngộ, hòn Sân Tiên và Đá Bạc với đỉnh nhô cao nhất lên đến 22,7 m được bao phủ bởi thảm thực vật xanh tươi quanh năm và được “bọc lót” chung quanh bởi những tảng đá khổng lồ kê san sát bên nhau tạo ra nhiều khe nước trong xanh thu hút các loài rong rêu, cá, hàu, tôm, cua… sinh sống; tạo nên một vùng sinh cảnh khá là hấp dẫn.

    Những khe nước bao quanh hòn.

    Xác định hòn Đá Bạc là điểm du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử, ngành thương mại và du lịch tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng trên hòn một khách sạn, nhà hàng, đặc biệt là thiết kế xây dựng một cặp rồng khổng lồ bằng xi măng cốt sắt rất uy nghi, hoành tráng đang trườn mình qua dãy Yên Ngựa nối liền hòn Sân Tiên với hòn Đá Bạc.

    Để việc đi vào Khu du lịch Hòn Đá Bạc được thuận tiện, dễ dàng, một chiếc cầu xi măng dài gần 2.000 m được xây dựng đã nối liền vàm Đá Bạc với hòn Đá Bạc tạo thành con đường trên biển lồng lộng gió, thu hút nam thanh nữ tú các nơi đi xe gắn máy ra tận ngoài hòn ngao du, thưởng lãm.

    Du khách ngồi chơi bên một khúc cầu gãy.

    Hấp dẫn dân sành điệu là nguồn hải sản tươi sống và rất phong phú được đánh bắt quanh hòn Đá Bạc; trong đó hàu là sản vật ngon của vùng biển này từng được hai tác giả Nghê Văn Lương và Huỳnh Minh đưa vào cuốn sách sưu khảo “Cà Mau xưa”.

    Bài và ảnh: BÙI THUẬN

    Recommended For You