Khám phá núi Tà Lơn – chốn huyền bí ở Campuchia (Phần 2)

Nhìn ra bờ vực sâu thăm thẳm, sương khói từ vách núi vờn nhau khiến cho nơi này thêm u tịch và huyền dịu, vạn vật như lặng thinh tu hành. Trời đang nắng ấm bỗng kéo mây ngàn vờn quanh rồi chầm chậm trôi vào khoảng không, bỏ lại mọi thứ trơ vơ lạnh lẽo…

Càng về chiều, gió lạnh xốn xang thổi vào từng ngọn cây, vách núi… Một vài đoàn khách hành hương băng qua những bãi đá, rừng cây để tìm nơi nghỉ chân qua đêm, một số thì vội vã xuống núi.

Trên đỉnh Tà Lơn có rất nhiều bãi đá bằng phẳng lớn bằng bộ ván trải mấy chiếc chiếu, có nơi đá nhô cao đủ chỗ cho một người tọa thiềng cheo leo.

Có bãi đá biến hóa nhiều hình thù, cá biệt những tảng đá nhìn vào rợn người, người ta gọi là đá “linh thần” hay đá “âm hồn” do các pháp sư “nhốt” linh hồn vào đó để luyện tà thuật. Ngoài những bãi đá đầy linh khí là những vồ đá cheo leo, những hang động sâu hun hút… được cho là nơi các vị tu ẩn mình.

Bước vội chân trước ráng chiều, chúng tôi thử tìm xuống một miệng hang được cho là nơi các đạo sĩ đến tu luyện, có người “đắc đạo” nhưng có người hóa điên loạn khi rời hang. Miệng hang đủ rộng 10 người vào cùng lúc, nhưng vào khoảng 10 m là ma trận nhiều lối rẽ, vòm đá lúc cao, lúc thấp, gió núi chen qua những vách đá phát ra âm thanh réo rắc lạnh người như tiếng của lũ quỷ hoang đàn chưa được ai thu nạp. Nhìn những mảnh áo nâu bạc màu, rách nát, những cây nhang cháy dỡ… mà chồn chân quay trở lại. Có lẽ nơi đây qua lời kể Thầy Sơn, ông Bảy Thới… thì những hang sâu có nhiều vị ẩn tu rồi “bỏ xác” luôn nơi này, có người được phát hiện đem xương cốt ra ngoài, có bộ hài cốt kẹt luôn trong vách núi.

Tại Động Kim Quang, nơi được cho là có 36 vị chân tu, trong đó có nhiều vị từ miền Nam Việt Nam tu luyện rồi bỏ xác đạt thành chánh quả. Dấu tích nơi đây còn 36 ngôi mộ hoang, lạnh lẽo dù có vài ly hương được ai đó mới thắp nhang còn vươn vãi, có mộ được dựng bia đá, có mộ sơ sài vài hòn đá tụm lại, có mộ được vun đá cao vì vị tu mất trong tư thế tọa thiềng…

Anh bạn đi cùng chúng tôi tuy nhiều lần tới Tà Lơn nhưng không đủ can đảm khám phá tiếp những hang sâu hay những bãi đá luyện tà, luyện bùa phép của các pháp sư người Myanmar, Thái Lan… vì muốn xuống hang sâu hay vào bãi đá có “tà thuật” phải có vị tu hành, pháp sư theo cùng, chốn này núi non linh ứng nên người bình thường xuống không được lành.

Trong các hang động, vồ đá quanh đây còn nhiều xương người chết rũ nên âm khí nặng nề… Có những hang nằm sâu trong rừng, đường vào quanh co vách đá, đi bộ hơn nửa ngày trời, nếu không có dụng cụ hỗ trợ thì rất khó lòng vào được… nghe vậy, tôi đành tiếc nuối quay trở lại.

PHẾ TÍCH THÀNH PHỐ MA

Hoàng hôn Tà Lơn nhìn về hướng biển như chốn thiên đường, sắc màu chốn hư không huyền dịu làm nao lòng người. Có lẽ vậy mà từ đầu thế kỷ 20 giới quý tộc người Pháp cho xây dựng một số công trình nghỉ dưỡng, trải qua trăm năm, qua bao mùa chinh chiến và tàn phá của Khơmer đỏ, các công trình hoang phế…

Tà Lơn thật sự đánh thức từ năm 2002 khi bộ phim “Thành phố ma” (City of Ghost) do đạo diễn Hollywood chọn làm bối cảnh quay chính, bộ phim nổi tiếng khắp nơi, từ đó Tà Lơn trở thành điểm đến quen thuộc của du khách khám phá.

Công trình biểu tượng của người Pháp xây trên đỉnh Tà Lơn là nhà thờ trên đỉnh đồi, công trình bỏ hoang phế nhưng tường gạch và kiến trúc vẫn còn bền chắc với thời gian, bất cứ đoàn khách nào ngang qua cũng dừng lại chụp vài tấm hình lưu niệm. Cung điện hoàng gia Campuchia hoành tráng một thời cũng trở thành phế tích. Đáng chú ý nhất là công trình casino đồ sộ cũng bỏ hoang vừa phục dựng để khách tham quan, nhìn tòa nhà quy mô này mới khâm phục những người quyết tâm mang vật liệu lên đây. Cách casino cũ không xa, Campuchia cấp phép xây dựng khu casino mới kết hợp khu resort 4 sao sẵn sàng phục vụ khách quốc tế ngày đêm. Các sinh hoạt phục vụ du khách ở đây chưa nhiều, chủ yếu là khám phá phế tích và du lịch tâm linh.

Trên đường lên đỉnh Tà Lơn, du khách dừng chân trước bức tượng phụ nữa cao lớn nhìn về hướng biển để chiêm bái trước khi lên đỉnh núi. Đó là tượng nữ thần cai quản núi Tà Lơn Veang Kh’mau (Diay Mao, người Việt gọi bà Mau, dì Mau). Truyền thuyết kể rằng, Veang Kh’mau là phụ nữ Việt hay đến dạy dân làng cách trồng lúa, làm ăn, một hôm bà đi tìm chồng rồi bị bão đánh lật thuyền, bà hiển linh cứu giúp dân làng và yêu cầu người dân nên cúng bà biểu tượng Linga. 

Ngày nay, du khách và người hành hương đến Tà Lơn không chỉ nghỉ dưỡng, khám phá mà còn chiêm ngưỡng cảnh đẹp núi rừng và các dấu tích hoang phế trăm năm. Bên cạnh đó, những huyền thoại Tà Lơn gắn với các vị giáo chủ luôn là bí ẩn đầy tâm linh mà các bổn đạo luôn muốn tìm về mỗi mùa hành hương. 

PHƯƠNG DUY

Recommended For You