Tranh thờ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Sán Dìu tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Tuy nhiên, tại đây hiện còn duy nhất một người vẫn biết làm loại tranh này, đó là ông Hoàng Văn Dậu ở thôn Thum Bắc, xã Quý Sơn.
Ông Dậu kể, xưa nhà ông có một bộ tranh tới vài trăm năm tuổi. Tiếc là hơn chục năm trước trong lúc kinh tế gia đình đang gặp khó khăn nên ông đã phải bán bộ tranh này cho một người Trung Quốc với giá vài chục triệu đồng.
Trước lúc bán tranh, ông Dậu đã kịp chép lại toàn bộ số tranh này trên giấy xi măng và giờ vẫn dùng để treo vào ngày tết và trong những buổi đi cúng.
Theo phong tục của người Sán Dìu, tranh thờ được coi là vật linh thiêng, khi thực hiện nghi lễ thường có nhiều dụng cụ như: rồng bằng đồng, cây tích trượng, lệnh bài… và đặc biệt tranh thờ là thứ không thể thiếu.
Một bộ tranh thờ có 3 quyển chính gồm: tranh Tam Bảo (14 bức); tranh Tam Sinh (3 bức) và tranh Tam Đàn (19 bức).
Người Sán Dìu thường dùng tranh thờ trong việc cúng thổ địa, giải hạn, tạ mộ, tạ đất, đám tang… Theo đó, mỗi một loại tranh sẽ được sử dụng trong những lễ cúng khác nhau.
Ví như lễ cúng tạ đất phải dùng tranh Thổ Địa và tranh Tam Đàn; cúng giải hạn thì phải có tranh Tinh Quân và Nam Tào, Bắc Đẩu; cúng Phật thì cần tranh Tam Bảo, tạ mộ thì tranh long mạc…
Theo giải thích của ông Dậu, đây là các tín ngưỡng ảnh hưởng của tư tưởng Đạo Giáo, các hình trong tranh tượng trưng cho các vị thần, thánh tồn tại trong trí tưởng tượng về thế giới tâm linh của người Sán Dìu.
Về mặt mỹ thuật, tranh có màu sắc đẹp, bố cục, không gian hài hòa, cách tạo hình đặc sắc, các gam màu rất mạnh mẽ và rực rỡ. Để làm tranh này, ông Dậu dùng giấy xi măng hoặc giấy dó, bút lông và màu vẽ được mua từ TP.HCM ra (vì loại màu này ít thấy bán tại miền Bắc).
Để hoàn thành một bộ tranh hết chừng một tháng, hiện nay ông Dậu vẫn làm tranh bán với giá khoảng 3 triệu đồng/bộ.