Nằm ẩn trong thung lũng, thuộc thôn Nùng Má Lử, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần (Hà Giang), bãi đá cổ Xín Mần được các nhà khảo cổ học Việt Nam và nhiều du khách đánh giá là khá độc đáo và kỳ lạ. Đây là điểm đến du lịch kỳ thú và hấp dẫn đối với nhiều du khách thích nghiên cứu, khám phá miền sơn cước phía tây của tỉnh Hà Giang.
Bên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp uốn lượn ôm quanh núi, nơi có những nếp nhà sàn nhỏ xinh ẩn mờ trong mây mờ, bất ngờ nổi lên các phiến đá lớn có hình thù, hoa văn kỳ lạ, huyền bí. Đó là quần thể bãi đá cổ Xín Mần có niên đại khoảng 2.000 năm.
Với 7 phiến đá lớn và 2 cự thạch (đá cực lớn) trên đó có khắc khoảng 80 hình thù và khoảng 80 vũng lõm khác nhau.
Trên mỗi phiến đá ấy, người xưa đã tạo nên những hình thù tượng trưng khác nhau, có chỗ giống bàn chân người, hoặc hình vòng tròn, có nơi là hình ruộng bậc thang, hình sinh thực khí (bộ phận sinh dục người), hình người trong tư thế giơ hai tay dạng hai chân như trong các bích họa thời tiền sử, những hình khắc chưa xác định được hình dáng… tất cả đều đang chứa đựng những ẩn số, huyền bí, để khẳng định và tìm lời giải cho vấn đề này, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu…
Theo phán đoán của các chuyên gia (Viện khảo cổ học Việt Nam), bãi đá cổ Xín Mần tuy không lớn và mật độ không dày đặc như bãi đá cổ tại SaPa nhưng xét về hình thù các bức chạm khắc trên đá có phần độc đáo, kỳ lạ hơn và chưa tìm thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta.
Năm 2008, bãi đá này được xếp hạng là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Đặc biệt tại khu vực này đồng bào còn duy trì được tục cúng thần đá khá độc đáo vào tháng 6 hàng năm.
Giải thích về sự liên quan giữa tục cúng thần đá và bãi đá cổ này, các nhà nghiên cứu văn hóa tỉnh Hà Giang cho rằng: Nấm Dẩn là xã vùng biên của tỉnh Hà Giang, xã có 5 dân tộc: Nùng, Mông, Hoa, Kinh, Tày. Trong đó dân tộc Nùng có số dân đông nhất, họ tập trung thành từng khu trên các sườn núi. Người Nùng theo tín ngưỡng đa thần, họ coi vạn vật hữu linh (mọi vật đều có linh hồn).
Đặc biệt, Nấm Dẩn là xã duy nhất trong vùng có tục cúng thần đá. Thần đá – tiếng Nùng gọi là ‘‘đản guy”.
Vào ngày 2/6 âm lịch, người dân chọn nơi nào có những vách đá cao sừng sững nhất để dựng bàn thờ ngay dưới đó.
Sáng sớm ngày 2/6 âm lịch, những thanh niên trai tráng theo thầy cúng dựng lên một ‘‘đàn cúng’’ bằng các thanh gỗ cao 1,2 mét, dài 1,5 mét, rộng 1 mét sao cho đủ diện tích để bày đặt các lễ vật cúng.
Đây chính là di sản văn hóa độc đáo cần được bảo tồn, duy trì và phát huy vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa cho nhân dân địa phương, mặt khác góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá thu hút khách du lịch biết và đến với bãi đá cổ Xín Mần.