Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Đà Lạt (3/4/1975 – 3/4/2024): Tự hào thành phố anh hùng

Hòa chung khí thế hào hùng cả nước kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), Nhân dân các dân tộc của TP Đà Lạt – Lâm Đồng càng thêm tự hào về một thành phố anh hùng, lập nhiều chiến công trong lịch sử. Và tự hào hơn khi ngày nay, thành phố tiếp tục được đón nhận danh hiệu Thành phố Sáng tạo Âm nhạc của UNESCO; Thành phố Du lịch của ASEAN và là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn…

Nhớ lại thời kỳ chuẩn bị giải phóng thị xã Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức, việc huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến trong 20 năm của Nhân dân Đà Lạt đã có những đóng góp quan trọng.

Xuyên suốt 20 năm bám trụ chiến đấu, các lực lượng hoạt động trên địa bàn đều dựa vào sự cung cấp của Nhân dân Đà Lạt. Nhân dân đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tích trữ vũ khí, lương thực, nuôi dưỡng thương binh, nuôi gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bám trụ hoạt động, có thời gian cung cấp, nuôi từ 4 đến 5 tiểu đoàn suốt cả tháng trời về đứng chân chiến đấu.

Sự đóng góp của Nhân dân Đà Lạt có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc kháng chiến ở địa phương. Nổi bật là ta đã thành công trong việc “biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta”. Và, trong cuộc chiến đấu cam go và ác liệt ấy, có 733 liệt sỹ đã ngã xuống, 323 thương binh đã cống hiến một phần thân thể cho quê hương, hơn 1.100 cán bộ và đồng bào bị địch bắt tra tấn, tù đày.

Ông Trương Trổ – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng hồi tưởng: Vào sáng ngày 2/4/1975, tại khu trung tâm thành phố, các cơ sở cốt cán của Thị ủy và lực lượng nòng cốt trong học sinh, sinh viên đứng ra thành lập Ban cán sự khởi nghĩa và tổ chức thành từng nhóm công tác tỏa xuống kết hợp với các cơ sở cốt cán tại chỗ chiếm lĩnh và bảo vệ các công sở, nhà máy quan trọng như Nhà máy nước, Nhà máy điện, Nha Địa dư, Bưu điện, Lò Nguyên tử…, kêu gọi đồng bào không đi di tản, tuyên truyền chính sách 12 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, kêu gọi binh lính nộp vũ khí.

Đến sáng ngày 3/4/1975, lúc 8 giờ 20 phút, cờ Giải phóng tung bay trên Tòa hành chính Tuyên Đức/Đà Lạt, cơ quan đầu não của chính quyền cũ tại địa phương, đánh dấu giờ phút lịch sử: Tỉnh Tuyên Đức và thị xã Đà Lạt hoàn toàn được giải phóng.

Ngay sau đó, ngày 4/4/1975, Ủy ban Quân quản TP Đà Lạt được thành lập; tiếp đó, ngày 6/4/1975, Khu ủy Khu VI ra quyết định thành lập Thành ủy Đà Lạt.

Ngày 14/4/1975, hơn 10.000 Nhân dân Đà Lạt tham gia cuộc mít tinh mừng quê hương được giải phóng và đón đoàn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu.

Tại buổi lễ, Đảng bộ, quân và dân TP Đà Lạt được trao tặng Huân chương Thành Đồng hạng Nhất. Đà Lạt được giải phóng có những sự kiện khá đặc biệt: Không có những cuộc đụng độ vũ trang gây đổ máu, không bị mất điện, mất nước một giờ nào, không bị nạn cướp bóc phá rối, các cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh tế được tiếp quản hầu như nguyên vẹn.

Ghi nhận những đóng góp đó, Nhà nước phong tặng cho quân và dân Đà Lạt 4 Huân chương Thành Đồng, 2 Huân chương Quân công, 16 Huân chương Chiến công, 3 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 73 Mẹ Việt Nam Anh hùng; xã Xuân Trường và thành phố được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 224 gia đình được Nhà nước tặng bảng vàng danh dự “Gia đình có công với cách mạng”. Đó là sự ghi nhận, biểu dương thành tích và sự hy sinh xương máu của quân và dân Đà Lạt trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Phát huy những thành quả cách mạng, nhiều năm đổi mới về sau, các trục lộ giao thông nối từ Đà Lạt – Lâm Đồng đến các tỉnh, thành phố lân cận trong khu vực đã lần lượt được nâng cấp mở rộng và xây dựng mới khá đồng bộ. Đặc biệt, những năm gần đây, Đà Lạt được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông rất tốt, với hầu hết tuyến đường chính nội ô thành phố đều được mở rộng, có hệ thống đèn biển báo giao thông an toàn, nhiều dự án lớn đầu tư thúc đẩy du lịch, kinh tế – xã hội thành phố như Dự án Nâng cấp mở rộng đèo Prenn, đèo Mimosa, sân bay Liên Khương, bến xe, đường vành đai thành phố… Với hệ thống giao thông phát triển mở rộng như thế đã xóa đi thế ốc đảo trên cao của Đà Lạt đã kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Cùng với đó, TP Đà Lạt đã tập trung phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Du lịch được các nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng bộ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày nay, TP Đà Lạt đã thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách.

Trong bước đường phát triển, tuy còn không ít khó khăn, thách thức cần nỗ lực phấn đấu khắc phục, nhưng phải nhìn nhận rằng TP Đà Lạt đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Đà Lạt vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Lạt là đô thị loại 1 thuộc tỉnh, là thành phố Festival Hoa của Việt Nam. Thành phố nhận được rất nhiều danh hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, như: “Thành phố Festival Hoa” đầu tiên của Việt Nam, “Thành phố đáng sống”. Thành phố được UNESCO vinh danh, gia nhập mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc và được các tổ chức quốc tế công nhận 2 lần là “Thành phố du lịch của ASEAN”, trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế…

Có thể nói, sau 130 năm hình thành và phát triển, từ miền đất hoang sơ, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với không ít thăng trầm, khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc TP Đà Lạt đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước toàn thành phố đạt trên 1.720 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; lượng khách du lịch đến Đà Lạt đạt 6,4 triệu lượt; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 22 ngàn tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 125 triệu USD; thành phố không còn hộ cận nghèo; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,03%, có 3 trên 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…

Năm 2024 xác định là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025; theo đó, thành phố xác định tập trung xây dựng giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả nhất; khắc phục những khó khăn, bất cập, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong nỗ lực hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ với mức phấn đấu vượt từ 5-10% kế hoạch theo chỉ tiêu chung, tạo đà tăng tốc và về đích với mức phấn đấu cao nhất trong năm 2024. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, từ đó khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng, phát triển TP Đà Lạt ngày càng phồn vinh, giàu đẹp…

Nguồn: Báo Lâm Đồng | NGUYỆT THU

* Hình bìa: Một góc TP Đà Lạt. Ảnh: Võ Trang

Recommended For You