Sáng, cái lạnh bao trùm khắp không gian. Những cơn gió về neo ngang cửa, thướt tha như tà áo dài của cô nữ sinh mới lớn. Mới đó mà đã mùa đông, tôi nhủ thầm. Và như một dấu hiệu dự báo của thời tiết, con phố nhỏ cũng trở nên im lìm hơn, có chút gì đó cổ kính và trang nghiêm, nấp sau những tán cây già cỗi.
Chẳng hiểu sao tôi luôn yêu mùa đông, yêu cái tiết trời se se lạnh và những con đường lác đác bóng người. Một mình sống ở thành phố lớn, nơi này lúc nào cũng đông đúc và ồn ào, chẳng thể nào cảm nhận rõ nét cái cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khi mùa đông đến.
Tôi bỗng nhớ về những tháng ngày lớn lên ở thị xã, một vùng quê nghèo nhưng đầy ắp hoài niệm ấu thơ. Lũ trẻ con ngày đó thường loanh quanh theo chân người lớn nhặt nhạnh những cành cây khô, củi mục, giấy vụn và cả rác rến mà đốt thành đống lửa lớn để dọn vườn, như thể là cách tốt nhất để xua đi cơn lạnh mùa đông giăng mắc.
Thảng hoặc trên tay mỗi đứa còn là những củ khoai lang lùi nóng hổi phải lăn qua lăn lại mấy vòng mà tiếng cười thì vẫn cứ giòn tan khi soi vào đáy mắt nhau bập bùng ánh lửa.
Như một sự vô ý, đứa bạn trong lúc mải mê tranh củ khoai lang đã dấy vào tay tôi một vết bỏng của tàn lửa. Từ đó để lại cho tôi một vết sẹo.
Sau này, tôi phải thầm cảm ơn người bạn đó. Bởi lẽ, khi nhìn vào vết sẹo đó, tôi lại nhớ rõ hơn những kỷ niệm của một thời.
Và tôi nghĩ, đôi lúc người ta cũng phải trân trọng những vết sẹo, như trân trọng những khoảng thời gian tươi đẹp mình đã trải qua.
Mùa đông, những đứa trẻ như tôi ngày ấy cứ mót từng cọng nắng mà mải chơi đến cạn chiều. Để rồi khi mẹ thúc giục tắm táp thì lại nằn nì đến tối vì sợ nước lạnh. Bỗng nhiên thèm nghe tiếng mẹ quở phạt la rầy, nhưng vẫn cặm cụi xuống bếp đun sôi ấm nước để giúp con trẻ xua đi cái lạnh. Hình ảnh đó, kỷ niệm đó, cứ như ăn sâu vào trí nhớ, để rồi mỗi một mùa đông lại đến, lại mơ thấy dáng mẹ ân cần xoa đi nỗi sợ cái lạnh của trẻ nhỏ. Những lần hồi tưởng như vậy, khóe mắt ươn ướt lúc nào chẳng hay.
Dường như mùa đông sinh ra là để người ta biết trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau. Tôi vẫn thích được vùi mình vào lòng mẹ mà hít hà cái mùi da thịt âm ấm, được nép sau lưng ba mỗi khi có gió lạnh ùa về, hay những lúc ngồi quây quần bên mâm cơm còn nghi ngút khói, nghe ông bà kể những chuyện xa xưa mà một đứa trẻ như tôi chưa từng trải nghiệm.
Những ký ức đó là hành trang để tôi trưởng thành, như cây bàng mỗi độ đông về đều trút xuống đất những chiếc lá đỏ au, thì tuổi thơ cũng cần phải thay những lớp áo mới như vậy để mà khôn lớn.
Những tháng ngày sống xa quê nơi phố thị mới thấu cái sự cô đơn và cả sự lạnh lẽo đúng nghĩa mà mùa đông mang lại, đi kèm đó là nỗi nhớ quay quắt được trở về đoàn tụ bên gia đình mà thấm thía hơn cái ấm áp của tình thân.
Và cũng là để một lần nữa nghiệm ra rằng, chỉ có đi xa thì mới biết nhớ, biết quý và biết trân trọng từng giây phút thân thuộc như vậy.
Và mùa đông đã làm đúng vai trò của mình khi gợi lên trong lòng mỗi người những giá trị tình cảm thiêng liêng cưu mang suốt hành trình năm tháng.
Chiều, ngồi nhìn những chiếc lá bàng đỏ au theo gió rơi đầy góc phố, chợt thèm da diết cái ánh lửa tuổi thơ năm nào cùng những củ khoai lang lùi chung với đám bạn. Tôi nghĩ rằng, mỗi người đều giữ cho riêng mình một ngọn lửa.
Ngọn lửa để sưởi ấm, để soi rọi và dẫn lối trong những lúc chông chênh, hoang hoải.
Ngọn lửa nhắc nhớ kỷ niệm, nhắc nhớ dáng mẹ, bóng cha, và cả những điều đơn sơ thân thuộc, để sống và yêu hơn những khoảnh khắc mình đã có.
Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử | Kai Hoàng