Vào mùa đông, nhiều vùng ở nước ta có thời tiết lạnh buốt. Những người làm việc ngoài trời dễ bị tê cóng chân tay, nếu không mặc đồ bảo hộ chu đáo.
Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, da và mô dưới da có thể bị lạnh cứng, dẫn đến tê cóng. Vùng dễ bị tê cóng nhất là bàn tay, bàn chân, mũi và tai. Khi bị tê cóng nơi tiếp xúc với lạnh, da chuyển sang trắng bệch hoặc xám vàng (biểu hiện ban đầu của tê cóng). Cùng với đó là dấu hiệu da bị ngứa hoặc tê, nặng thì vùng da bị phồng rộp, cứng, sau đó sưng đỏ và cảm thấy đau.
Có thể nhận biết hiện tượng tê cóng qua độ cứng, tái nhợt và độ lạnh của da tiếp xúc với lạnh. Khi được sưởi ấm, cơ thể sẽ trở nên đỏ và đau.
Cách xử trí
Điều đầu tiên là cần cách ly với giá lạnh, làm nóng vùng da một cách dần dần, đây là chìa khóa để điều trị tê cóng.
Có thể sưởi ấm các vùng như tai, mặt, mũi, các ngón tay, ngón chân bằng hơi thở ấm của mình hoặc áp phần chân tay có quần áo ấm vào nơi da bị lộ ra ngoài. Tránh để phần cơ thể bị cóng nhiễm lạnh thêm.
Nếu có thể, ngâm vùng tê cóng vào nước ấm trong 10 – 15 phút. Cũng có thể sưởi ấm bàn tay tê buốt vào nách rồi chuyển vào trong nhà. Sau đó, cho bàn tay tê buốt hoặc bàn chân vùi trong mền ấm trong nhà hoặc nơi kín gió.
Chú ý, không hơ lửa sưởi ấm lại ngay vùng bị tê cóng. Không chà xát hoặc xoa bóp phần cơ thể bị tê cóng để tránh gây tổn thương cho các mô. Nếu có thể, tránh đi lại khi chân bị tê cóng. Nếu bị rộp da khi sưởi, không bóc da vùng bị rộp. Da có thể bị tấy đỏ, bỏng, nóng rát hoặc rất đau.
Đối với tê cóng nặng, nghĩa là da tái nhợt, cứng và lạnh, sau khi sơ cứu cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị.
Một vài trường hợp khi bị tê cóng nhưng quá trình làm ấm không đúng cách khiến da bị rộp nhiều, vùng da bị tổn thương cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Ngoài ra, khi bị cóng có kèm theo dấu hiệu nhiễm khuẩn như: đau nhức hơn, sưng, tấy đỏ hoặc đụng nhẹ thấy đau; nóng hoặc tấy đỏ lan rộng từ vùng bị tê cóng; chảy mủ; sốt không rõ nguyên nhân… thì cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.