Đó là làng nghề đan đát (đan lát) Thái Mỹ tồn tại gần 100 năm qua trên đất Củ Chi (TP.HCM). Đến nay, các hộ trong xã vẫn sản xuất các mặt hàng này, không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang các nước khác.
Với hơn 100 năm hình thành và phát triển, nghề đan đát truyền thống đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền thủ công truyền thống của thành phố và trở thành một nét đẹp độc đáo trong tiến trình phát triển văn hóa Sài Gòn xưa.
Làng nghề đan đát xã Thái Mỹ được hình thành từ việc phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, về sau các sản phẩm được thương mại hóa. Làng nghề đan mây tre dân dụng được làm ở nhiều nơi, nhưng với phía Nam thì tập trung nhiều tại huyện Củ Chi. Các mặt hàng mây tre đan ở đây khá đẹp, bền và được trau chuốt tỉ mẩn.
Làng nghề mây tre đan giỏ trạc, nong, nia, thúng, rổ… đã phân chia mỗi ấp, mỗi xóm sản xuất một sản phẩm chuyên biệt.
Như ấp Mỹ Khánh thì chuyên đan giỏ, dần, sàng; ấp Bình Hạ thì đan rổ, thúng… hay như ấp Cây Trôm chuyên làm bồ cật, bồ ruột; xã Tân An Hội thì làm rổ, rá… và đến nong, nia, thúng được sản xuất ở xã Thái Mỹ. Hiện có khoảng 300 hộ dân còn bám trụ với nghề, chiếm khoảng 10% trong tổng số dân trong xã.