Làng nghề truyền thống của TP.HCM được hình thành từ rất lâu đời, chứa đựng các giá trị văn hóa, tinh thần của cư dân Nam bộ. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, nhiều làng nghề khó tồn tại. Do đó, rất cần bảo tồn và phát triển làng nghề, để vừa gìn giữ văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng vừa nuôi sống một bộ phận dân cư vùng nông thôn.
Theo Cục di sản văn hóa, làng nghề được hình thành từ nền sản xuất nông nghiệp mùa vụ và chế độ làng xã, xuất hiện khá sớm và gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc.
Khái niệm về làng nghề theo cách nhìn văn hóa, được định nghĩa như sau: là một địa danh gắn với một cộng đồng dân cư có một nghề truyền thống lâu đời được lưu truyền và có sức lan toả mạnh mẽ; có một đội ngũ nghệ nhân và thợ có tay nghề cao, có bí quyết nghề nghiệp được lưu truyền lại cho con cháu hoặc các thế hệ sau; sản phẩm vừa có ý nghĩa kinh tế để nuôi sống một bộ phận dân cư và quan trọng hơn là nó mang những giá trị vật thể và phi vật thể phản ánh được lịch sử, văn hóa và xã hội liên quan tới chính họ.
Tiếp cận từ góc độ văn hóa, làng nghề của TP.HCM đã có lịch sử rất lâu đời. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ, làng nghề không thể bắt kịp với xu hướng hiện đại dẫn đến các cơ sở sản xuất tại các làng nghề gặp nhiều khó khăn.
Đa phần làng nghề sử dụng công nghệ lạc hậu và thiết bị máy móc chậm đổi mới; trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất; trên 95% các hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn đều sử dụng nhà ở làm nơi sản xuất, sản phẩm khó cạnh tranh với những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại; hệ thống mẫu mã, kiểu dáng và bao bì sản phẩm của làng nghề chưa đổi mới; việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và kiểu dáng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa được quan tâm; trình độ quản lý của chủ hộ, cơ sở ngành nghề tại làng nghề chưa cao; hệ thống các ngành sản xuất hỗ trợ và dịch vụ chưa phát triển; doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại làng nghề gặp khó khăn về vốn, trang thiết bị, nhà xưởng. Ngoài ra, làng nghề cũng chưa có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả.
Để khôi phục và phát triển làng nghề, TP.HCM đã đưa vào triển khai đề án bảo tồn làng nghề nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, là địa chỉ văn hóa, phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, từng vùng.
Trong đó, xây dựng thí điểm một làng nghề tập trung, với quy mô 10 – 15 ha tại vườn thực vật Củ Chi và dọc theo tuyến kênh Đông (mô hình làng nghề nuôi cá kiểng…) có gắn kết với hoạt động du lịch tại thành phố. Đồng thời, bảo tồn và phát triển 4 làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống và 4 làng nghề, làng nghề truyền có khả năng phát triển độc lập, bền vững.