Xã vùng cao Mà Cooih (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) được ví như là “thủ phủ” của giống ớt Ariêu. Năm 2020, sản phẩm “ớt muối Ariêu” đã đạt OCOP 3 sao.
Đặc sản ớt Ariêu được đồng bào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam đã và đang tiêu thụ mạnh tại thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, cư dân có thêm thu nhập, đời sống của người dân từng bước nâng cao, tạo ra bộ mặt nông thôn mới phát triển ở vùng cao Quảng Nam.
Các bậc cao niên sành ăn ớt người Cơ Tu cho hay, chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng A Sờ (giáp huyện Nam Giang) ớt mới cho mùi thơm đặc trưng và trái nhỏ. Nếu cho ớt này sinh trưởng ở vùng phù sa thì sẽ mất đi hương vị đặc trưng vốn có của nó. So với những loài ớt truyền thống khác, ớt Ariêu có những ưu thế vượt trội với hương vị rất đặc biệt, độ cay nồng vừa phải rất quyến rũ, kích thích vị giác người ăn.
Ông Trần Quốc Trí, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Mà Cooih cho hay: “Trước đây, ớt Ariêu mọc hoang trên đồi núi, trái rộ sau những trận mưa nguồn, chỉ sinh sản phát tán thông qua những loài chim ăn hạt (chủ yếu là chim chào mào).
Qua những lần đi rẫy, bà con hái về ăn, thấy mùi ớt thơm, ngon, bà con hái trái về bán theo kiểu nhỏ, lẻ.
Thấy ớt có thu nhập, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với Phòng kinh tế hạ tầng huyện thành lập tổ hợp tác sản xuất ớt và được hỗ trợ vốn, phân bón cho gieo ươm giống. Ớt Ariêu tươi và muối chua được coi là đặc sản của địa phương này”.
Gia đình anh Alăng Krang (trú thôn A Sờ, xã Mà Cooih) đã thoát nghèo nhờ ớt Ariêu Đông Giang. Trước đây, thu nhập của gia đình Alăng Krang phụ thuộc vào mấy sào mì, bắp, cuộc sống bấp bênh. Nhưng từ khi trồng ớt, gia đình anh thu nhập mỗi tháng từ 3 đến 4 triệu đồng, sắm được ti vi, tủ lạnh…
Chị ALăng Thị Cờrớt (trú thôn A Bông, xã Mà Cooih) thấy các gia đình trong tổ hợp tác có thu nhập từ cây ớt, nên gia đình chị mua giống tự ươm và trồng thửnghiệm 200 cây ớt. Chị cho biết, ớt Ariêu Đông Giang khó trồng hơn ở đồng bằng, ớt hay bị bệnh nên gia đình chị xửlý theo phương pháp thủ công, rửa lá, không lạm dụng thuốc trừ sâu, chỉ bỏ phân chuồng và phân NPK nên rất an toàn. Đây là loại ớt sạch vì không sửdụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm bón. Bước đầu trồng ớt Ariêu đã cho gia đình chị thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng.
“HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih có 40 lao động, trong đó có nhiều hộ tham gia trồng ớt Ariêu.
Ớt Ariêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10 ha trên địa bàn 7 thôn ở xã Mà Cooih.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 hũ ớt muối với giá 70.000 đồng/hũ.
Mặc dù giá bán cao hơn nhiều so với những giống ớt khác nhưng vẫn bán chạy vì ớt Ariêu được trồng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và hương vị thơm ngon nên khách hàng ưa chuộng…”- ông Trí cho biết thêm.
Ông Phan Hữu Thành – phó chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Đông Giang cho hay, mô hình ớt Ariêu Đông Giang ở xã Mà Cooih đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng cây bắp, mì…, do đó huyện Đông Giang đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích và phấn đấu những năm tới tăng lên 20 ha để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc miền núi. Ớt Ariêu Đông Giang đã được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền và sản phẩm ớt Ariêu muối đã đạt “OCOP 3 sao” của huyện Đông Giang năm 2020.