Lưu ý khi viêm khớp vai

    Hầu hết đau khớp vai đều có nguyên nhân là do tổn thương xương, khớp vai và phần mềm quanh khớp vai. Thường gặp nhất là do chấn thương làm trật khớp vai lần đầu, sau đó sụn viền không thể lành lại làm khớp vai rất dễ trật ra trở lại mỗi khi làm động tác dang và xoay ngoài khớp vai. Có người tuy không bị trật rõ ràng nhưng khớp vai cứ đau khi làm việc ở tư thế vai dang. Có 4 thể viêm quanh khớp vai có biểu hiện đặc trưng bao gồm:

    Viêm quanh khớp vai đơn thuần

    Đau ở mỏm cùng vai, mặt trước và mặt ngoài vai hoặc phía sau vai. Đau tăng khi vận động, nhất là động tác dang vai, giơ tay lên trên và động tác xoay khớp vai. Các động tác vận động khớp vai không bị hạn chế, hoặc chỉ hạn chế ít do đau. Chụp X-quang khớp vai không có bất thường. Bệnh tiến triển nhẹ, đau giảm dần rồi khỏi trong vài tuần, nhưng hay tái phát.

    Viêm quanh khớp vai thể đông cứng

    Đau và hạn chế vận động khớp vai do co cứng bao khớp, kéo dài từ vài tháng đến hàng năm với biểu hiện: đau giảm dần, nhưng hạn chế vận động lại tăng, các động tác đều hạn chế, nếu bệnh lâu ngày có thể thấy teo cơ nhẹ do giảm vận động.

    Viêm quanh khớp vai kèm vôi hóa gân

    Bệnh nhân có các cơn đau dữ dội nhất là khi vận động vai. Chính vì quá đau nên khiến bệnh nhân sợ và bất động khớp vai. Trên phim X-quang thấy hình ảnh vôi hóa các đầu gân cơ.

    Viêm quanh khớp vai thể giả liệt

    Các gân cơ vùng vai bị đứt, làm cho các cử động không thể thực hiện được giống như khi bị liệt. Bệnh nhân không thể chải tóc, đưa tay ra sau gáy, phải dùng tay bên lành để nâng tay bị liệt lên.

    Về điều trị, viêm quanh khớp vai không có điều trị đặc hiệu, thường phối hợp nhiều biện pháp như điều trị nguyên nhân (nếu tìm thấy); tránh các vận động mạnh tại vùng khớp vai do đó phải ngừng chơi bóng bàn một thời gian; phục hồi chức năng khớp bằng các bài tập vận động, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn. Có thể tiêm thuốc corticoid tại chỗ trong một số trường hợp nhất định như viêm điểm bám gân cơ nhị đầu, gân trên gai, mỏm cùng vai… nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa khớp và trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.

    Để chẩn đoán và điều trị bệnh một cách chính xác, nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa khớp (ở Tây Ninh có thể đến Bệnh viện đa khoa tỉnh, hoặc Trung tâm chấn thương chỉnh hình TP.HCM), các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể để điều trị bệnh.

    BS. LÊ TRUNG NGÂN

    Recommended For You