Từ lâu, măng ớt đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc mà nổi tiếng ở Yên Bái là măng ớt của đồng bào dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải.
Để làm ra món ăn có vị chua, cay thơm nồng, đem lại cảm giác ngon miệng trong bữa ăn và xua đi cái lạnh nơi vùng cao, đồng bào Mông Mù Cang Chải đã phải khá vất vả trong việc đi hái măng.
Măng ngâm ớt là giống tre gai rừng, mọc trong rừng sâu, hình dáng nhỏ hơn giống măng sặt một chút.
Khi đi hái măng, bà con người Mông thường đi thành từng tốp để bảo đảm an toàn và hỗ trợ nhau trong việc mang, vác măng.
Quá trình thu hoạch măng đòi hỏi sự cẩn thận, tinh tế và khéo léo để măng không bị gãy, măng được hái không quá già cũng không quá non. Măng dùng để ngâm ớt chỉ mọc vào thời điểm 3 tháng (8, 9, và 10) nên đồng bào Mông Mù Cang Chải phải tranh thủ thời gian để thu hoạch đúng vụ.
Măng sau khi lấy về được bóc vỏ, cắt bỏ phần già, phần ống và ngọn được sơ chế làm sạch và ngâm vào dung dịch muối, tỏi, ớt xay nhuyễn. Sau đó, cho thêm một ít quả mắc mật (loại quả có mùi thơm đặc biệt, đặc trưng của vùng núi phía Bắc).
Các nguyên liệu sau khi hòa quyện vào nhau sẽ tạo nên một hương vị hấp dẫn, khiến ai đã một lần thưởng thức đều rất khó quên. Anh Nguyễn Ngọc Nam – du khách Hà Nội, cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi và ăn măng ớt của nhiều địa phương. Tuy nhiên, măng ớt Mù Cang Chải vẫn là ngon nhất.
Khác với măng ớt ở vùng đồng bằng khi ngâm có màu trắng, măng ớt Mù Cang Chải có màu xanh tự nhiên, ăn giòn, có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị lên váng, nhũn hay thâm”.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, những năm gần đây, nhiều hộ người Mông ở Mù Cang Chải đã chủ động lên rừng hái măng bán cho các tiểu thương và du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng ở Mù Cang Chải.
Chị Nguyễn Thị Lan Anh – buôn bán ở chợ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải, cho hay: “Vào mùa du lịch, trung bình mỗi ngày, tôi bán được từ 30 – 50 hộp măng ớt. Có người mua về để ăn, người mua về làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Nhiều người, bây giờ vẫn thường xuyên gọi điện bảo tôi gửi măng và lấy buôn với số lượng lớn để bán đi các nơi”.
Từ một món ăn dân dã của đồng bào dân tộc Mông vùng cao, đến nay, măng ớt Mù Cang Chải đã trở thành “đặc sản” được nhiều người biết đến. Đây không chỉ là quà tặng của núi rừng, thiên nhiên mà còn là một phần văn hóa ẩm thực của người Mông Mù Cang Chải. Vì vậy, nếu có dịp tới “xứ Mù Cang”, du khách không nên bỏ qua cơ hội khám phá nét văn hóa ẩm thực này.
Nguồn: Báo Yên Bái | Hồng Oanh