Nhiều người Sài Gòn bây giờ rất thích không gian sống kiểu nhà quê. Sở thích này đã không còn là “độc quyền” của của mấy ông văn sỹ, nhạc sỹ, kiến trúc sư chơi ngông, tự khẳng định mình. Cái chính là người ta tìm được cảm giác thoải mái giữa cuộc sống xô bồ, chật chội, ô nhiễm khói bụi…
Nói như kiến trúc sư Trần Bình, một trong những người khởi xướng không gian kiến trúc kiểu quê trong nhà phố thì trong mỗi con người đều có những khoảng lặng, được nuôi dưỡng và phát huy trong không gian sống phù hợp. Ở đời, cái nghịch lý xem ra có lý! Lúc đã chán bê tông, cửa kính, có khi người ta lại mang nhà quê về đô thị. Mua một cái nhà rường xứ Huế, một kiểu nhà xưa Nam bộ bày giữa lòng đô thị mà thấy cái nhà quê ấy sang trọng hẳn lên. Hay lại tranh tre vách đất, gạch tàu, tường cũ mà xây dựng để gợi nhớ một thời thơ ấu chạy lon ton trên đê, ngoài đồng…
Người giàu cũng …mê!
Các khu đô thị mới ở Sài Gòn như khu Nam ( quận 7), An Khánh, An Phú, khu Thủ Thiêm (quận 2), quận 9… được xem là nơi có nhiều căn biệt thự mới, đẹp, độc đáo. Gần đây, có thêm những ngôi nhà ấn tượng với đường nét kiến trúc kiểu quê. Người ta cũng dễ dàng nhận ra “gốc gác” của của chủ nhân ngôi nhà qua nét quê miền Bắc, miền Trung và đồng bằng Nam bộ.
Ông Tăng Đức, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh hóa mỹ phẩm xây căn biệt thự vườn mang đường nét nhà rường Huế ở đường Lương Định Của, cho biết : “ Ông nội tôi ngày xưa ở Huế là hương thân, đại gia đình sống trong căn nhà rường 3 gian hai chái, nếp nhà xưa, cuộc sống đậm chất quê, Tôi không sao quên được! Chính vì vậy, khi đã hội đủ điều kiện, tôi bán căn nhà ở trung tâm quận 1, ra khu mới xây biệt thự kiểu nhà rường, cũng kỳ công lắm: mua gỗ từ Lâm Đồng rồi mướn thợ từ Huế vào làm, chi phí không kém gì xây nhà bê tông nhưng được cái là như ý mình…”.
Điểm nhấn của nhà rường là gian nhà chính và sân vườn. Theo ông Đức, nhà ông chỉ giống kiểu thôi, không thể phục dựng như ở quê được, chỉ làm có một gian gỗ thôi nhưng cũng có trạm trỗ, gụ sập, hàng ba mái uốn… Những lúc đi làm về ngồi uống trà, ngắm sân vườn, thải thóc cho gà ăn ( gà kiểng) là nhất rồi !
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Thanh Vân, sở hữu một khu nhà kiểu quê trên diện tích rộng khoảng 15.000 m2 ở quận 9. Điểm đặc biệt ở đây là thú sưu tầm các kiểu nhà quê và vật dụng, nông cụ của chủ nhân. Có 3 căn nhà quê trong khu, Bác sĩ Vân đã mua lại của người dân ở miền Tây, miền Trung, Tây nguyên, qua chế tác, chăm chút thêm cộng với không gian vườn rộng rãi, tạo thành khu nhà độc đáo. Nơi đây trở thành điểm thăm viếng thường xuyên của bạn bè và cả những người khách yêu mến hương quê…
Hiện nay ở khu Thảo Điền – quận 2 và khu Nam cũng có nhiều “Ông Tây” mê kiểu nhà quê như vậy. Nhiều người còn hòa trộn kiến trúc kiểu quê, kiểu Tây trông rất lạ! Căn biệt thự hoành tráng mái lá cạnh đại lộ Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) có cổng rào và sân quần vợt phía sau, gây sự chú ý cho người đi đường. Khu chung cư, cao ốc văn phòng của Hoàng Anh Gia Lai với các block nhà cao mấy chục tầng gần đó làm cho người đi đường cảm giác “tân cổ giao duyên”, rất lạ!.
Góc quê đi về
KTS Hoàng Nhật, Công ty thiết kế trang trí nội thất Art Home ở khu Phú Mỹ Hưng cho biết: nhiều người xây nhà mới hay cải tạo nhà bây giờ yêu cầu thiết kế và trang trí một không gian kiểu quê trong nhà phố, đó là một góc sân, một căn phòng, ban công hay sân thượng… Với điều kiện kỹ thuật xây dựng và vật liệu trang trí như hiện nay, điều này là không khó. Nhà phố diện tích nhỏ cũng có thể làm được. Cái chính là chủ nhà muốn tạo ấn tượng như thế nào cho góc quê của mình.
Chị Quỳnh, nhà ở một con hẻm nhỏ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 rất tự hào về góc quê của mình, đó là một khoảng sân nhỏ (cũng là giếng trời) phía sau nhà, chị tạo một tiểu cảnh độc đáo như một chái bếp nhà quê với lu hủ, cối xay, sàn nước bằng gỗ tràm, vài bụi sả, bụi hành… “Là giả thôi nhưng mình cảm giác như thật, ngồi trên ghế đôn ụ gỗ tự chế đặt trong góc, mình cảm thấy nhẹ nhàng, quên đi mệt mỏi công việc hàng ngày, ký ức tuổi thơ với làng quê lại tràn về…”- Chị Quỳnh tâm sự.
Anh Bá Chinh, ở Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, là người gốc ở vùng Đồng Tháp Mười thì có một góc quê đi về rất lạ: một căn phòng nông dân và khu vườn rau hoang dại ( theo cách nói của anh) trên sân thượng của căn biệt thự phố. Trong căn phòng nhỏ là nhiều thứ nông cụ như cuốc cày, liềm , hái, bình tưới…và cả bộ đồ bà ba mang trên góc tường, tất cả anh mang từ dưới quê lên để dùng vào việc trồng rau và để … “chưng chơi”. Đặc biệt trên vách tường còn có một bảng to ghi lịch thời vụ…Vườn sân thượng nhà anh, ngoài việc trồng các loại rau ăn lá có bán ngoài chợ còn có khu trồng các loại rau như: cải trời, thì là, bồ ngót, thù lù, nhãn lồng… toàn những thứ mọc hoang dại ở miệt đồng quê.
Anh Chinh cho biết: “ Những thứ này ở dưới quê tự mọc đầy nhưng trồng trong hộp xốp ở thành phố thì phải chăm sóc mới tốt được, cũng như con người vậy, phải có sự thích nghi, đúng là đồ… nhà quê…”.
Tuy nhiên, có cái thứ “đồ nhà quê” ấy, anh mới thấy giảm áp lực cuộc sống, gia đình vui vẽ hơn. Sáng, trước khi đi làm cũng lên sân thượng 1 chút, chiều về thì hầu như ở lì trên ấy đến tối mịt. Thằng cu Tí 4 tuổi nhà anh cũng đã học được rất nhiều điều từ góc quê của ba!