Vũ Đức Sao Biển, cái tên được nhiều người yêu nhạc biết đến qua các ca khúc Phượng ca, Thu hát cho người… Gần đây, người nhạc sỹ tài hoa này được nhiều người chú ý hơn khi liên tục trình làng hai tác phẩm văn học thể hiện một sự mãnh liệt về cuộc sống, về tình yêu dành cho mọi vùng miền mà tác giả từng đặt chân qua, trong đó có Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ít ai biết rằng ông đang phải điều trị căn bệnh về thanh quản.
Trong tập sách mới nhất mang tên ‘miền Nam sống đẹp’ do Nhà xuất bản văn hóa – văn nghệ TP.HCM ấn hành, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đã bộc bạch ở phần lời nói đầu rằng: “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam là miền đất nhân hậu, đáng yêu, và đáng sống”, và ông xem miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng như là quê hương thứ hai.
Người nhạc sỹ 72 tuổi này, sinh ra ở Quảng Nam. Sau hơn 53 năm sinh sống và làm việc ở vùng đất Sài Gòn – TP.HCM, ông thẳng thắn thừa nhận rằng: thông qua tập sách mới nhất, ông muốn được viết về tấm lòng nhân hậu của người Sài Gòn, người phương Nam.
Nơi đây, người và người đối xử với nhau thân thiện, đầy tình cảm đồng bào ruột thịt. Nơi đây, con người hoà điệu sống với nhau một cách tự nhiên, không bị một thứ mặc cảm nào chia cắt, ngăn trở…
“Tôi rất biết ơn Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam ruột thịt. Cái giấc mơ lãng mạn thời thanh xuân đã đưa tôi về làm công dân nơi đây, nơi có tiếng nói dễ nghe, khí hậu dễ thích nghi, lương thực thực phẩm dễ mua, việc làm dễ có, thành công dễ gặt hái được, con người dễ kết thâm tình. Được sống ở một nơi tốt đẹp như vậy, tôi nghĩ mình không còn mơ ước gì hơn nữa”, ông viết.
Theo nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, quyển sách này không phải là hồi ký, ông chỉ ghi nhận lại những sự thật dù rất nhỏ của người Sài Gòn, người miền Nam dành cho ông, để qua đó bạn đọc có thể thấy được tấm lòng của người phương Nam, người Sài Gòn – TP.HCM giúp đỡ, yêu thương, quý mến người phương xa như thế nào.
Với 21 chương trong tập sách, không dài nhưng cũng không quá ngắn, tác giả đã khéo léo tái hiện một bức tranh hết sức sinh động về cuộc sống, về tình yêu dành cho công việc, gia đình và xã hội của một nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, lẫn nhạc sỹ.
Đọc sách ‘miền Nam sống đẹp’ (Thấy có bán tại cửa hàng sách Văn hóa – Văn nghệ (88 – 90 Ký Con, Q.1, TP.HCM; quầy M3 – đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1), giá bìa 79.000 đồng), độc giả có thể nhận ra rằng: trong sâu thẳm con tim của nhạc sỹ, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là sự da diết ơn tình, là vòng tay dang rộng chào đón cậu sinh viên tỉnh lẻ, là quán bò kho điểm tâm không chỉ ngon, đậm đà mà còn tràn đầy sự tử tế, rộng rãi của người phương Nam khi mà bà chủ quán dặn ngay hôm đầu tiên “bữa nào tiền bạc chưa có, cháu muốn ăn cứ ghé nghen. Không có gì mà ngại ngùng”.
Tấm lòng của “người mẹ” Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thật rộng rãi, và những con đường rợp bóng cây của khu ba trường Đại học Văn khoa, Đại học Nông Lâm, Đại học Dược khoa ngày ấy chính là con đường đưa nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển vào đời, gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tận ngày hôm nay.
Ngay những ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn, ông đã thực sự cảm kích lối sống chân thành đầy mộc mạc của hầu hết người dân nơi đây, sự tử tế đến lạ kỳ, dù đó là lời nhắc đến mỗi bến của anh lơ xe, hay sự tận tâm hướng dẫn của cô tiếp nhận hồ sơ nhập học tại Đại học Văn khoa, cũng như bác công chức ở Tòa hành chánh quận 5.
Cái khát khao phụng sự xã hội, có lẽ chẳng bao giờ “tắt lịm” trong lồng ngực của người nhạc sỹ mang tên Vũ Đức Sao Biển ngay khi tác giả bị mất tiếng nói sau một cơn nhồi máu não khiến tắt dây thanh. Từ năm 2018, thông qua những “con chữ” cùng phương tiện làm việc hiện đại như điện thoại thông minh hay máy tính, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển dồn sức để viết, viết và viết, viết để truyền lửa, lan tỏa cái ý chí kiên cường của một gia đình cựu viên chức, đó là hãy cần mẫn làm việc như con ong hút mật, làm thơm làm ngọt cho đời.
“Tôi nghĩ, đó là một cách trả ơn đời, trả ơn miền đất nhân hậu mà mình đang sống”, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, cho hay.
Ở chương cuối của tập sách, tác giả một lần nữa khẳng định tình yêu dạt dào cho Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, đó là sự tự hào khi là một công dân của Thành phố, một công dân có trách nhiệm và được hưởng nhiều lợi ích chung.
“Tôi đã được sống giữa một cộng đồng con người nhân ái, nhân hậu; được giúp đỡ và tạo cảm hứng để trở thành một nhà báo, nhạc sỹ, nhà văn; có chút đóng góp nho nhỏ vào sinh hoạt văn hóa nghệ thuật rộng lớn của đất nước”, ông viết trong phần mở đầu chương ‘Biết ơn miền Nam nhân hậu như thế’ của tập sách.