Vàm Nao là con sông nối liền hai nhánh sông Tiền, sông Hậu, qua địa phận huyện Chợ Mới và Phú Tân (An Giang). Đây là dòng sông nổi tiếng bởi vị trí quan trọng trong giao thông thủy và vai trò của nó trong sinh hoạt đời sống của một bộ phận lớn người dân vùng sông nước.
Phía sông Tiền, Vàm Nao gặp cù lao Tây (Thanh Bình – Đồng Tháp) tạo thành một ngã ba sông rộng lớn. Mùa lũ, nước sông Tiền đổ mạnh qua Vàm Nao, dòng chảy xiết, nhiều lòng chảo nước xoáy và thường có sóng to. Mùa nước trong (tháng chạp đến tháng 4 âm lịch), ngã ba sông nước trong xanh, hiền hòa xuôi chảy…
Giai thoại cá kình
Trong những ngày lân la ở các xóm chài lưới ven sông Vàm Nao, chúng tôi được nghe nhiều giai thoại hấp dẫn về dòng sông nổi tiếng này. Ông già Hai Lý – lão ngư trên 70 tuổi ở Vàm Nao giải thích: “Gọi là Vàm Nao vì có những câu chuyện kể nghe thấy nao nao chứ sao! Xúc động nhất là chuyện về ông tổ nghề cá ở đây…”.
Chuyện kể rằng: Hồi xưa, đầu Vàm Nao, nơi tiếp giáp sông Tiền còn chưa có cù lao Tây phía đối diện nên ngã ba sông rộng thênh thang, nhiều lòng chảo nước xoáy và sóng to gió cả, xuồng ghe qua lại phải hết sức thận trọng để khỏi bị chìm. Người rơi xuống sông thì coi như làm mồi cho cá sấu, cá mập, cá tra dầu… Có một ghe thương hồ của đôi vợ chồng trẻ cùng đứa con trai 3 tuổi băng qua Vàm Nao. Ghe chìm, đôi vợ chồng chết nhưng đứa bé vẫn còn sống – người ta tìm thấy nó ở một bãi lau sậy ven sông, bên cạnh xác chết của mấy “Ông Nược”(cá nược – theo một nghiên cứu của khoa nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ thì là một loại cá heo, gọi là cá heo Mekong. Hiện loại cá này đã mất dấu trên sông Cửu Long nhưng người ta vẫn còn thấy chúng về phía thượng nguồn thuộc Lào, Campuchia – NV). Thì ra,”Ông Nược” nổi lên đánh nhau với cá mập để cõng đứa bé vào bờ. Về sau, đứa bé ấy là ông thầy chuyên bắt cá kình hung dữ trên sông Vàm Nao, ông tổ của nghề hạ bạc xứ này…
Những câu chuyện về Vàm Nao quả thật ấn tượng, không chỉ bởi nội dung mà còn ở cả thái độ người kể! Người ta nói với chúng tôi về “ông Năm Chèo” mà sao mỗi tình tiết thường là câu: “Thiệt mà! Chẳng phải chơi đâu”. Tương truyền, “ông Năm Chèo” là một con cá sấu có 5 chân do một người tục gọi là Đình Tây ở vùng Thất Sơn nuôi. Sau đó “ổng” thoát ra sông đến án ngữ ở Vàm Nao. Thân hình “ông Năm Chèo” to lớn nằm lấp đáy sông… Mấy chị em ngồi vá lưới ở xóm chài Bình Thủy (Phú Tân ) tranh nhau khẳng định: “Ổng hiện đang… tu, chờ đến thời kỳ thì nuốt chửng mấy người ăn ở ác”!
Sự thật tới đâu, anh Sáu Diện, một thợ lặn chuyên nghiệp ở Vàm Nao cười, nói với chúng tôi: “Chuyện ở đây ly kỳ lắm, nghe cũng hay hay! Nghề của tôi là lặn xuống đáy sông làm đủ mọi việc: trục vớt đồ, tìm tài sản, bắt cá tôm… sông Vàm Nao, tôi lặn như cơm bữa, chẳng thấy “ông” nào nằm chình ình dươi đáy sông như thiên hạ đồn, nhưng có điều chắc chắn là nơi đây có nhiều tôm cá vì lòng sông sâu, có nhiều vũng sông tự nhiên. Các loại cá lớn ở đây trước kia phải là nhiều lắm, bây giờ chỉ còn cá bông lau thôi…”.
Đêm bắt cá bông lau
Bông lau là loài cá nước ngọt to, khỏe, có con nặng đến trên 10 kg. Thịt cá ngọt, ngon, có giá trị kinh tế cao. Nhiều lão ngư phủ ở Vàm Nao cho biết: Cá bông lau trên sông Cửu Long rất nhiều, thuộc loại cá lớn. Cá thường tập trung sinh sống ở những đoạn sông sâu, vịnh lớn. Bắt cá bông lau có nhiều cách, tùy theo từng vùng, ở Vàm Nao thì bắt bằng cách đánh lưới, miệt Sóc Trăng, Cần Thơ thì giăng câu với mồi là trái bần chín – loại thức ăn cá bông lau ưa thích.
Bắt cá bông lau ngày nay ở Vàm Nao hấp dẫn hàng trăm dân hạ bạc, mùa bắt cá bắt đầu từ sau tết Nguyên đán kéo dài đến tháng 3, 4 âm lịch. Người ta thả lưới trên sông, loại lưới nylon dày, có mắt lưới từ 1,2 – 1,5 cm, bền chắc, chuyên dùng bắt cá lớn . Mỗi giàn lưới có chiều dài từ 300 – 500 mét. Thả lưới phải canh vào con nước, một ngày đêm chỉ thả được có 2 lần, thời gian một lần kéo dài từ 2 – 3 giờ đồng hồ. Thời điểm tốt nhất là thả lưới ban đêm: trời mát, nước chảy nhẹ, cá bông lau hoạt động mạnh trên sông…
Chúng tôi theo xuồng dân thả lưới ra ngã ba sông Vàm Nao, một đêm đầy sao trên trời và dưới mặt sông thì đỏ rực ánh đèn phao thả lưới, trông xa như hội hoa đăng. Anh Út Châu, một thợ lưới cho chúng tôi quá giang cho biết: “Bà cậu cho ăn ở ngay ngã ba sông này, nơi giao dòng hầu như nước đứng trân, hàng chục giàn lưới quây quần… Ai cũng lên phía đầu doi cù lao Tây bủa lưới, rồi thả xuống ngã ba”.
Khi ghe của anh Út thả tới cái điểm “xà quầng” thì chúng tôi không tài nào phân biệt được đèn giàn lưới của anh với các giàn lưới khác. Các đèn chỉ cách nhau độ vài mét, ấy mà lưới không quấn vào nhau do cái tài “kéo thả” ở đầu giàn của thợ lưới. Sau hơn một tiếng đồng hồ thì giàn lưới của Út Châu trôi chệch về hạ nguồn phía bờ Kiến An. Bắt đầu thu lưới, đôi tay Út Châu thoăn thoắt cuốn mành lưới dập dềnh, bàng bạc trên mặt sông, loang loáng ánh nước lăn tăn phản chiếu từ bầu trời sao và ánh đèn phao thả lưới. Chúng tôi cùng reo lên trong niềm vui của người thợ lưới “dính rồi” – một con cá bông lau khoảng trên 1 kg quẩy chành chạch khi bị kéo lên mặt nước. “Đây là cá… em bé, loại này bán không được giá lắm, con nặng 5 – 7 kg mới ham” – Út Châu cười hề hề phân bua với khách.
Chúng tôi hiểu sự thất thường trong nghề hạ bạc, không phải đêm nào người thợ lưới cũng “trúng mánh” với nhiều con cá to. Đến ba giờ sáng, sau 3 mẻ lưới, ghe Út Châu chỉ bắt được có 4 con cá bông loại tàm tạm. Trên đường về bến, ghe lưới hú nhau thông báo thành quả của mình. Đêm nay không gặp hên, ghe nào cũng chỉ có vài con, nhưng những người thợ lưới có vẻ không buồn, hôm sau lại làm tiếp vậy!
Bên ly trà nóng hổi, một buổi sáng tinh sương ở xóm lưới bên bờ Vàm Nao, chúng tôi cảm nhận quang cảnh thanh bình của một vùng quê, nét chất phác bộc trực vốn có của người dân vùng sông nước. Trong câu chuyện, họ khoe nhau: Kiếm được trăm mấy từ mẻ lưới hồi đêm, hiệu quả thử nghiệm của một người nào đó về thời điểm thả lưới để kiếm cá lớn… Rồi vui, con phà Thuận Giang qua sông Vàm Nao sắp được đầu tư nâng cấp, đường xe hơi nối Phú Mỹ, Kiến An với Long Xuyên, Châu Đốc. Phú Tân là “bến sau” của thị xã sông nước vùng biên Tân Châu trên bến dưới thuyền… Và buồn khi lượng cá bông lau đánh bắt được ngày càng ít đi…
Chúng tôi đồng cảm với họ, không chỉ cá bông lau mà nhiều loại thủy sản nước ngọt khác trên sông Cửu Long cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trước sự tác động của môi trường. Việc xây dựng các con đập lớn ở Trung Quốc và các nước đầu nguồn sông Mekong được xem là nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của các loài thủy sản. Con người đang làm khó chính mình.