Mùa lũ trong tôi

Hoàng hôn dần buông. Dưới ánh chiều, thôn quê càng thêm đượm buồn. Sau lưng thôn có con sông lớn, cứ hễ trời sạm tối như thế, tôi lại ưa ra ngồi trên chiếc xuồng ba lá nhìn dòng nước êm đềm gợn sóng. 

Nay đã là đầu tháng bảy âm lịch, mà sao “tháng nước” như trôi đâu mất. Có câu “tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”, đủ cho ta tưởng tượng dòng nước tràn lên tận đất liền, ngập ngụa cả cánh đồng. Và, từng dòng hoài niệm về mùa nước nổi theo con sóng vỗ đang kéo nhau ùa về trong trí nhớ tôi một cách nhẹ nhàng như áng mây phiêu bồng nhẹ trôi qua trước mắt.

Chắc vì tôi sinh ra ở quê ngoại, nơi có con sông sáng thì nước lớn, đến trưa thì nước ròng thế nên từng làn hơi thở của con nước tôi đều nắm hết. Đầu tháng bảy âm lịch, nước lũ thường về – người miền Tây gọi hay gọi là “mùa nước nổi”. Thích lắm cái cảnh mấy đứa nhóc chúng tôi rủ nhau đi hái bông điên điển đem ra chợ bán. Ngày đó, bông điên điển quê tôi đầy, lấy chiếc xuồng chèo ngang mấy bờ rạch, bờ đê, bông cây điên điển vàng rực cả góc trời, tha hồ mà hái đem về cả thau lớn.

Rồi mỗi sáng, vừa mở mắt là tôi lại chạy ra ngoài sông để xem mực nước hôm nay đã cao đến đâu. Để xác định con nước cao bao nhiêu, tôi lén lấy cây tre của ông ngoại vừa chặt gần đó rồi chạy tít ra bờ sông ghim mạnh xuống nước, nhờ những đốt tre mà tôi có thể “đo lường” được con nước như một nhà khí tượng học. Trong khi nhà khí tượng học còn đang “nghiên cứu” thì ông ngoại nhà khí tượng học chạy ra hỏi cây tre mới đốn đây đâu mất rồi…

Quê tôi, nhất là mấy đứa trẻ nghe tới “nước lên” là mừng như được kẹo, không ít đứa tầm 13 đến 16 tuổi đã trở thành ngư dân chính hiệu biết dùng lưới, cần câu, vợt… các thứ, tất nhiên trong đó có cả tôi.

Ngày ấy, hầu như đưa trẻ nào cũng biết làm một cây cần câu dễ như ăn bánh, nó không cần phải đẹp, cái quan trọng nhất là… câu được cá. Chúng tôi tìm những cây nào thon dài chừng một đến hai mét hoặc cầm vừa tay để làm cần, còn dây câu thì mua dây cước buộc chặt vào, tiếp đến là mua lưỡi câu rồi gắn phao. Còn mồi câu lại càng đơn giản hơn, mùa mưa đến đất xốp, không quá khó để đào đất tìm giun hoặc mấy con ốc làm mồi. Cuối cùng là ngồi đợi cá đớp câu.

Để cho an toàn, địa điểm câu thường là nhà ngoại tôi. Nhà ngoại của tôi có sàn rất rộng. Bình thường nước chưa lên là khu đất trống, còn khi nước tràn vào trông cũng chẳng khác cái ao gì mấy. Đứa nào cũng hồ hởi xem ai câu được cá trước nhất.

Có hôm không biết vận khí tôi ra sao mà cá trê, cá rô… từ lớn đến nhỏ lần lượt cắn câu của mấy thằng bạn, riêng tôi đến một con cá lòng tong cũng không thấy. Khi ra về, thùng đứa nào cũng toàn là cá to, còn tôi thì ngược lại, trống trơn. Bỗng nhiên ý định xấu xa nổi lên như con Cám trong truyện cổ tích Tấm Cám, tôi kêu tụi đó xuống tắm còn mình thì bê hết rổ cá ấy về nhà.

Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng cổ tích cũng chỉ là cổ tích, huống hồ bà ngoại tôi thường dặn dò không tham lam lấy trộm tài sản của người khác, làm vậy tội lắm! Hơn nữa, “chim trời cá nước” miễn sao ta bền chí, bền lòng là được.

**

Tôi vẫn ngồi nhìn, nhìn dòng sông, nhìn mực nước như thể đang chờ đợi điều gì. Đám mây âm u che hết nắng, mưa chiều trút xuống hạt nào cũng nặng trĩu, trắng xóa một khung trời. Gương mặt tôi lại thất thần hơn, nhìn trước nhìn sau con đường thôn vắng lạnh, không một bóng người. Mấy cái lưới đánh cá của ông ngoại tôi cũng đem cất bỏ vào kho. Mùa nước nổi dần biến mất? Tôi nhớ và thèm lắm của những ngày cũ kĩ đó, một mùa nước xưa.

Chí Thiện

Recommended For You