Nâng cao giá trị du lịch làng nghề

Để tồn tại trong bối cảnh công nghệ sản xuất phát triển mạnh, một số làng nghề thủ công của TP.HCM đã chuyển mình, hồi sinh, có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, nơi đây còn là điểm tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống khá thú vị của học sinh, sinh viên.

Cơ sở mây tre lá Thiên Long có quy mô lớn nhất làng nghề đan lát Thái Mỹ. Mười năm qua, Thiên Long liên kết với hầu hết các hộ, cơ sở sản xuất ở làng nghề Thái Mỹ cung cấp sản phẩm cho đối tác ở Đài Loan từ 500.000 – 700.000 cái sọt/năm, mang lại doanh thu 8 – 11 tỷ đồng/năm. Là cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, nơi đây trở thành điểm tham quan, học tập lý tưởng của hàng vạn học sinh, sinh viên của TP.HCM đến tìm hiểu nghề đan lát truyền thống và tự tay thực hiện các công đoạn để làm thành một sản phẩm đan lát.

Tương tự, Hợp tác xã (HTX) làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi cũng là đơn vị ra đời từ yêu cầu đổi mới làng nghề. Qua 13 năm hoạt động, đến nay HTX ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ với Saigon Co.op và xuất khẩu đi nhiều thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Thế Khải, giám đốc HTX làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông khẳng định: “Từ khi ra đời đến nay, bánh tráng của HTX đã có thương hiệu riêng, là sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu mang ngoại tệ về cho đất nước”. Với những thành tựu trên, HTX được địa phương và các công ty lữ hành chọn là nơi để học sinh, sinh viên, du khách tham quan học tập trải nghiệm nghề đan lát truyền thống.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Khải đã ngừng đón khách do chưa xây dựng được mô hình du lịch làng nghề đủ tiêu chuẩn gồm: khu vực làm bánh tráng thủ công, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khu vệ sinh, nhân lực làm du lịch…

Với những giá trị từ du lịch làng nghề mang lại, ông Khải mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước để có thể xây dựng được mô hình du lịch đủ tiêu chuẩn, từ đó, hình thành được tour du lịch xanh dọc sông Sài Gòn tuyến Vườn sinh thái Trung An – Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông – Địa đạo Bến Đình, Bến Dược”.

Nhận thấy giá trị của du lịch làng nghề với bảo tồn văn hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế của các địa phương, TP.HCM đã có chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái để có thêm nhiều tour, tuyến du lịch chuyên đề được khai thác sâu, tạo điểm nhấn cho từng điểm đến, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. Để làm điều này, UBND TP.HCM chỉ đạo 5 huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, tăng cường kết nối với các công ty lữ hành. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ các huyện phát triển các làng văn hóa du lịch đặc trưng của từng huyện, để tạo nên điểm đến hấp dẫn và giới thiệu bản sắc văn hóa gắn với đặc trưng của từng địa phương, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch.

UBND TP.HCM đã ban hành đề án khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2020, trong đó, xác định tập trung vào các đối tượng, bao gồm: người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, người dân ở các làng nghề, các khu, điểm du lịch cộng đồng…

VỸ PHƯỢNG

Recommended For You