Ấn phẩm “Ký họa về Đông Dương – Nam Kỳ” vừa được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vừa tái bản lần thứ 2 nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả trong và ngoài nước.
Tập sách này được xuất bản lần đầu tiên hồi năm 2015, và được xem là một trong số các ấn phẩm chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 – 2020).
Sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phối hợp với Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM chọn lọc thực hiện.
Sau khi ra mắt, ấn phẩm đã nhận được sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước.
Cuốn sách được được nhiều chuyên gia và bạn đọc cho là có giá trị nghệ thuật đặc sắc, đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn về nếp sinh hoạt, lao động của các thế hệ đi trước, qua đó càng thêm trân trọng nét văn hóa và truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của người dân Nam kỳ xưa, trong đó có Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, vào những năm 1930, Nhà xuất bản Phương Đông (Paris, Pháp) đã xuất bản bộ tranh ký họa “Monographie Dessinée de L’Indochine – Cochinchine”. Đây là bộ tranh do Trường vẽ Gia Định, Hiệp hội các nhà trang trí, khắc chữ và in litô ở Gia Định thực hiện, với hàng trăm bức ký họa miêu tả phong cảnh sinh hoạt, buôn bán, chân dung lao động của một số ngành nghề phổ biến lúc bấy giờ ở Sài Gòn và Nam Kỳ.
Theo bà Đinh Thị Phương Thảo – giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM, cùng với ấn phẩm “Ký họa về Đông Dương – Nam Kỳ” tái bản lần thứ 2 này, trong thời gian gần đây, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM đã ra mắt nhiều tập sách mang giá trị chuyên khảo cao nhằm giới thiệu sâu, rộng hơn đến độc giả, công chúng yêu sách những nét đẹp về văn hóa, thiên nhiên và con người của nhiều vùng miền Việt Nam, trong đó có Sài Gòn xưa – Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trong đó có: bộ sách Văn chương Sài Gòn (1881 – 1924) của tác giả Trần Nhật Vy; chuyên khảo Đồng dao và trò chơi truyền thống do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên; Phú Yên – Đất và người của nhà nghiên cứu văn học – lịch sử Trần Huiền Ân; hay bộ sách Đường vào hát bội của nhóm tác giả Lục tỉnh cầm ca.
Liên quan đến chủ đề văn hóa, vẫn theo bà Thảo, thì một tập sách đang nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ công chúng đó là chuyên khảo ‘Văn hóa Phật giáo trong đời sống của người Việt ở Lào’. Về cơ bản, tập sách là công trình nghiên cứu bậc tiến sỹ của tác giả Nguyễn Văn Thoàn, một tu sĩ có gần 10 năm sinh sống tại chùa Phật Tích ở Vientiane (thủ đô nước Lào). Công trình hệ thống khá toàn diện văn hóa Phật giáo được thể hiện rõ nét trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt đang sinh sống tại Lào; phản ánh khá đầy đủ bức tranh sống đạo và hành đạo của tăng ni, Phật tử ở Lào, trên khắp nhiều vùng miền của đất nước Lào như Luang Phabang, Vientiane, Savannakhet, Champasak…
Được biết các ấn phẩm của Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM có bán và trưng bày tại các nhà sách lớn trên toàn quốc, cũng như quầy M3 đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1). Ngoài ra, sách cũng được bán trực tuyến trên trang web www.nxbvanhoavannghe.org.vn.