Đời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé tay vào xốc vác cựu giang san
Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại
“Ghe phen” có thể hiểu là còn nhiều phen, nhiều lúc. Bài ca chúc Tết thanh niên của cụ Phan Bội Châu, đọc lên, tự dưng trong lòng nghe reo vang những âm thanh tự tin của ngày mới…
Ngày đã mới ắt mọi việc cần đổi mới. Sự mới mẻ ấy cần khơi nguồn từ tấm lòng, từ cái nhìn, từ nhận thức của chính mình. Chứ không phải do ép buộc của một ai khác. Nếu tôi nhớ không nhầm, trong Kinh Phật có câu tuyệt hay, chính xác và tự nó đã là lời răn dạy đúng với các sắc tộc trong mọi thời đại:
“Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng’.
Ngày xửa ngày xưa, có một người đi qua vùng sa mạc, mênh mông cát trắng xóa, nắng nóng ran như chảo lửa, lạ thay, ông ta lại nhìn thấy một cây dừa xanh non, vừa mới nhú những cánh lá nõn.
Với sự khoái trá độc ác, ông ta đã nhặt một cục đá to đặt vào giữa đọt cây dừa và nguyền rủa: “Làm sao mày có thể sống sót giữa thới tiết khắc nghiệt thế này? Tàn lụi đi có phải tốt hơn không?”.
Nói xong, ông ta bỏ đi.
Dù bị đối xử tàn nhẫn, cây dừa vẫn quyết không đầu hàng, nó vùng vẫy nhằm hất cục đá nhưng mọi cố gắng đều vô ích.
Cuối cùng, nó nỗ lực bằng cách cắm rễ thật sâu vào lòng đất, chạm đến mạch nước ngầm để tìm sự sống. Nhờ vậy, cây dừa ngày một lớn và đủ sức nâng cao hòn đá chết tiệt kia.
Sau nhiều năm tháng, người đàn ông quay trở lại chốn cũ, nghĩ rằng, cây dừa kia đã oằn mình, đã bị viên đá đè bẹp dí.
Thật bất ngờ, cây dừa vẫn cao xanh. Nó cúi xuống cho ông ta nhìn thấy hòn đá vẫn còn nằm trong đọt dừa.
“Điều kỳ diệu nào đã xẩy ra?”, nghe câu hỏi thản thốt, kinh ngạc ấy, cây dừa khiêm tốn trả lời:
“Tôi phải cám ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành”.
Khi gặp một sự cố trong đời, nếu không tuyệt vọng, buông xuôi thì ai ai cũng có thể vượt qua nghịch cảnh.
Hiểu điều đó không khó, vấn đề là có dám vượt qua hay không?
Hãy xem kìa, sự cấu thành của viên ngọc trai cũng là một tình huống chẳng khác gì đâu. Chính áp lực của vật lạ chui vào trong vỏ khiến loài nhuyễn thể phải phản xạ lại, là một cách tự chữa lành vết thương.
Kết quả của quá trình nhọc nhằn, đau đớn để tồn tại là các hạt ngọc trai đã hình thành.
Hạt ngọc ấy là hiện thân của sự chói lòa, hoàn thiện, không tì vết.
Cũng tựa như sen, nếu rễ không cắm sâu vào bùn làm sao có thể tỏa hương thơm ngát?
Những câu chuyện nho nhỏ này, khiến nhiều người bình tâm và như được tiếp sức, thêm niềm tin để vượt qua trắc trở, gay go mà số phận đang gánh lấy.
“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Quy luật của cuộc sống vốn thế.
“Nếu không có cảnh đông tàn
Làm sao có cảnh huy hoàng mùa xuân?”
Nhà thơ Hồ Chí Minh đã chiêm nghiệm và thấu hiểu lẽ tuần hoàn của thiên nhiên, sự vận động trong trời đất nên Tự khuyên mình bền tâm vững chí trước mọi gian nan, nguy khó.
Và như một lẽ tự nhiên, những ngày đầu năm mới hiện ra trước mắt, nhìn tờ lịch mới, tự dưng reo lên trong lòng một sự háo hức, một niềm vui nho nhỏ.
Đó là khoảng khắc mới mẻ, tinh khôi khiến con người ta tự nhủ: “Chà, cái năm vừa rồi mới hắc ám làm sao, may quá, nó đã đi qua rồi”; hoặc không, nếu năm cũ gặp nhiều thuận lợi: “Uớc gì năm tới cũng thuận buồm xuôi gió, không có gì trắc trở”.
Khoảnh khắc ấy, dường như giữa ồn ào náo nhiệt lại nghe đâu đó có tiếng chim reo thân thiện quá; dường như giữa mịt mù khói xe lại nghe thoang thoảng đâu đó có hương thơm của hoa xanh lá biếc.
Và đây, lạ chưa, người nhìn người với ánh nhìn tình người hơn. Sao lạ thế nhỉ? Có phải do thời điểm bước sang năm mới, trời đất thanh tân khiến lòng người cũng nhẹ nhàng, thanh thản và hướng thiện hơn?
Nghĩ thế không sai nhưng thật ra tất cả đã hiện hũu lâu nay, nhưng rồi vì nhiều lý do nên ta không cảm nhận được đấy thôi.
Năm mới đã đến, là lúc mỗi người “defragmenter” tâm hồn chính mình. Nhờ thế, mọi việc trở lại trạng thái mới mẻ ban đầu. Nói cách khác cũng là lúc ta cúi xuống thắt chặt lại dây giày, ngước mắt nhìn về chân trời phía trước, lòng quả quyết và chân cất bước mạnh mẽ.
Ơ hay, chẳng lẽ phải đợi đến năm mới, mới có sự tự tin ấy? Không, trong Bài ca chúc Tết thanh niên, cụ Phan Bội Châu mượn điển tích: Vua Thành Thang (1675 TCN – 1588 TCN) cho khắc một câu trên chậu tắm: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (Ngày một mới, mỗi ngày mới, ngày ngày mới) là ngụ ý đạo hành xử ở đời luôn thay đổi, phải đổi mới cho thích hợp.
Không chỉ là sự đổi mới cho riêng mình, có lẽ lúc này vẫn cần nhấn mạnh “Dây thành bại quyết ghe phen liên hiệp lại”, cần sự đoàn kết nhiều hơn nữa. Có như thế mới giúp đỡ cho nhau vượt qua mọi tình huống gian khó.
Nếu được chọn lấy một câu chuyện kể cho nhau trong ngày đầu năm mới, cho phép tôi chọn lấy chuyện này:
Có đôi uyên ương làm lễ cưới, một cụ già bảo chú rể hãy kéo dây chuông báo tin cho khắp nơi đều biết. Vâng lời cụ, chú rể ra sức kéo nhưng cái chuông vẫn không nhúc nhích.
Cụ bảo cô dâu hãy phụ sức. Khi cả hai hiệp lực, ra sức kéo lần nữa, tiếng chuông bắt đầu reo vang.
Cụ bảo: “Nhớ nhé! Cuộc sống mỗi ngày không khác gì việc kéo chuông, nếu mọi người cũng hiệp lực mọi việc ắt dễ dàng, thuận lợi hơn”.
Âm thanh rộn rã của tiếng chuông ấy ngân xa, ngân xa trong ngày đầu năm, tôi tin rằng, mọi người cùng nghe vọng về một niềm tin yêu: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”…
Với nguồn vui sống ấy, ai lại không nhẹ lòng khép lại một năm đã qua, khép lại thời gian đã là quá khứ và ngước nhìn theo tia nắng đầu ngày mới?