Nghề mành trúc gắn với du lịch ngoại thành TP.HCM

Hơn 40 năm hình thành và phát triển, làng nghề truyền thống mành trúc Tân Thông Hội (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đến với làng nghề, du khách được khám phá quy trình hình thành mành trúc và trải nghiệm các hoạt động sáng tạo sản phẩm truyền thống.

Theo lời kể của người cao tuổi, làng nghề mành trúc đã được hình thành từ ngày giải phóng năm 1975, thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất khoảng từ năm 1978 đến 1988 có hợp tác xã quản lý, sau đó thì người dân tự sản xuất và tự quản lý.

Hiện nay, Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội có 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh mành trúc và khoảng 400 hộ gia công mành trúc cho những cơ sở này. Điểm thu hút du khách đến với làng nghề là những công đoạn tỉ mỉ để hình thành nên từng tấm mành. Nhìn sản phẩm hoàn thành có vẻ đơn giản nhưng chỉ đến khi chứng kiến từng khâu, người xem mới trầm trồ bởi bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng nghề.

Nghệ nhân làm mành trúc lâu năm tại làng nghề chia sẻ, để có được những sản phẩm mành trúc cần làm theo nhiều công đoạn phức tạp khác nhau như xỏ dây, giựt giàn, lên khung, sơn cảnh…

Đầu tiên, cần lựa chọn những nhánh trúc đẹp, cắt nhỏ thành các đoạn có độ dài khoảng 6 cm và đưa vào lò quay để bỏ lớp lụa bên ngoài. Tiếp đó, để chống mối mọt, nghệ nhân sẽ đem ngâm nước hồ rồi phơi nắng tự nhiên hoặc sấy trong nhiệt độ 70 đến 80 độ C. Khi trúc khô sẽ được xâu lại bằng dây kẽm rồi treo kết lại thành mành.

Từng khâu vẽ, sơn lên mảnh trúc của nghệ nhân đều sẽ trở thành những hoạt động hấp dẫn khách tham quan.

Đó là những nét đẹp lao động, khuôn mặt tập trung và cảm nhận tinh tế của người nghệ nhân làm nghề lâu năm, qua bàn tay uyển chuyển đến từng đường nét. Để tạo ra được những sản phẩm có hồn, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề kinh nghiệm, biết xử lý từng nét chấm phá một cách tinh tế, sống động…

Việc kết hợp vừa phát triển sản xuất mành trúc gắn với du lịch làng nghề chắc chắn sẽ giúp làng nghề truyền thống mở rộng thị trường và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng.

Để những làng nghề thực sự trở thành địa điểm hấp dẫn và nhiều du khách biết đến cần tập trung phát triển thương hiệu, kết hợp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ du khách. Đồng thời, cần phải đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân sống ở làng nghề qua việc hợp tác với các công ty, đơn vị làm du lịch.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển du lịch làng nghề phải gắn với bảo tồn các giá trị đặc sắc, lựa chọn sản phẩm đặc trưng để làm mũi nhọn đầu tư. Tận dụng những chính sách khuyến khích phát triển làng nghề gắn với du lịch của Nhà nước để phát triển đúng hướng, có hiệu quả.

HOÀI AN

Recommended For You