Nghệ nhân ‘chế tác trang phục nghệ thuật truyền thống’ của người Khmer Trà Vinh

    Đó là nghệ nhân Lâm Phen ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh) với trên 30 năm gắn bó với nghề chế tác mão, mặt nạ được sử dụng trong các loại hình văn hóa nghệ thuật Khmer như: múa sa dam, hát àday, ca kịch rô băm, dù kê.

    Ông Lâm Phen vốn là người yêu thích đàn ca, nên đi tới phum, sóc nào hay ngôi chùa Khmer nào ông cũng hay để tâm tìm hiểu về các loại nhạc cụ, những bài hát dân ca, dân vũ cũng như nghệ thuật xây dựng, kiến trúc của người Khmer.

    Với quyết tâm lập nghiệp bằng nghề thợ mộc, từ năm 1991, ông đã bắt đầu làm những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, đặc biệt là chế tác mão, mặt nạ của người Khmer.

    “Nhờ yêu nghề và đam mê từ hồi nhỏ, cũng như có sự hiểu biết chút ít và tìm tòi học hỏi thêm từ những người lớn tuổi về những điểm nét đặc sắc của mỗi thể loại, từ đó thì mình phải sưu tầm và làm đúng theo cảm xúc của từng nhân vật, còn trong điệu múa của dân tộc Khmer thì rất đa dạng, phong phú nên mão cũng khác nhau theo điệu múa”, ông Lâm Phen tâm sự.

    Để có được chiếc mão, mặt nạ dùng trong các dịp lễ hội truyền thống hoặc trong các loại hình sân khấu, các nghệ nhân phải mất nhiều công sức và thời gian đi tìm nguyên vật liệu cũng như thực hiện các công đoạn chế tác như: tạo khuôn, đắp vải hoặc dán giấy, sau đó tách khuôn và vẽ hoa văn trang trí cho từng loại mão, mặt nạ.

    Theo đó các công đoạn tạo hình, hoa văn cho mão, mặt nạ thì công đoạn chạm khắc tạo hình có ý nghĩa và quan trọng nhất.

    Ngày nay, việc chế tác mão, mặt nạ đã đơn giản hơn khi có thể thay thế bằng một số keo dán và sơn công nghiệp, một số công đoạn cũng có nhiều cải tiến như thay vì đắp vải, một số nghệ nhân chuyển sang tận dụng giấy vụn. Khuôn bằng xi măng cũng được thay thế cho khuôn đất để khuôn sử dụng được nhiều lần.

    Sau công đoạn lấy mão, mặt nạ từ khuôn ra thì tiếp tục quét thêm một lớp sơn dầu để chống thấm, chống mối mọt và sau đó sơn thêm một lớp sơn, để mão có độ dày và trơn bóng dễ vẽ hoa văn.

    Màu của chiếc mão, mặt nạ cũng được các nghệ nhân tự sáng tạo lấy các loại cây trái thiên nhiên và nếu như sử dụng mão, mặt nạ phục vụ trong biểu diễn nghệ thuật Khmer thì màu sắc và đặc điểm của mão, mặt nạ cũng khác nhau nhằm thể hiện tính cách của từng nhân vật, do đó kỹ thuật chế tác mão, mặt nạ cũng đòi hỏi các nghệ nhân cần phải có kiến thức và am hiểu về từng vai diễn, từng loại hình nghệ thuật khác nhau.

    Khi Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh được xây dựng, đi vào hoạt động năm 1997, ông Lâm Phen được mời tham gia chế tác, phục chế nhiều hiện vật đã gắn liền với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của người Khmer Trà Vinh như nhà sàn, nhà Tha La, nhà thờ ông Tà, các loại nông, ngư cụ, nhạc cụ và mão, mặt nạ được dùng để hóa trang trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật Khmer.

    BẢO TRÂN

    Recommended For You