Ngôi giáo đường tuyệt đẹp miền cao nguyên

Nếu đi du lịch Kon Tum, có một địa chỉ bạn không nên bỏ qua: công trình kiến trúc độc đáo nhất xứ này – Nhà thờ gỗ Kon Tum.

Ngôi nhà thờ gỗ trứ danh vùng Tây Nguyên nay đã 108 tuổi. Tuy nhiên, thời gian đằng đẵng cả thế kỷ với bao đổi dời vẫn chưa thể làm phai đi vẻ đẹp của ngôi giáo đường xưa.

Sự kết hợp tuyệt đẹp của gỗ

Đến thành phố Kon Tum, hỏi bất cứ người dân nào, bạn cũng sẽ được chỉ dẫn tận tình đường đến Nhà thờ gỗ Kon Tum, nằm ở ngay trung tâm thành phố, trên con đường Nguyễn Huệ.

Công trình này có tên gọi chính thức là Nhà thờ chính tòa giáo phận Kon Tum, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi đó là nhà thờ gỗ.

Nhà thờ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn đặc trưng của người Ba Na.

Cũng dễ hiểu khi công trình được xây dựng theo phong cách này, bởi Kon Tum là nơi cộng đồng người dân tộc Ba Na sinh sống tập trung rất nhiều.

Theo tài liệu lưu lại và các sơ ở nhà thờ cho hay, nhà thờ được hình thành từ đôi tay tài hoa của các nghệ nhân Quảng Nam, Bình Định… và được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Các nghệ nhân đã mất ròng rã năm năm mới hoàn thành ngôi thánh đường có diện tích sử dụng hơn 700m2 này.

Khi xây dựng nhà thờ, các vị linh mục thời đó đã khéo léo đưa kiến trúc Roman hòa vào kiến trúc nhà sàn Ba Na để tạo một không gian tôn giáo Tây phương rất Tây Nguyên, thân thiện, gần gũi với người dân bản địa.

Điểm độc đáo của ngôi giáo đường không bê tông cốt thép, không sử dụng chút vôi vữa này khiến nó khác biệt với tất cả các ngôi giáo đường khác trên cả nước, là chất liệu để xây cất nhà thờ: hoàn toàn bằng loại gỗ tốt nhất thời bấy giờ; trong đó chủ yếu là loại gỗ cà-chít.

Bạn có thể nhìn rõ loại gỗ quý hiếm này ở những hàng cột đen tròn, thẳng tắp chạy dọc bên trong và hai bên hành lang giáo đường. Từ cột, kèo đến nóc nhọn của giáo đường, mái vòm cong, cửa, ghế, cả tháp chuông cao cao đều làm bằng gỗ. Gỗ được đục đẽo, gắn kết với nhau bằng mộng. Bởi không có sự hiện diện của đinh hay vật dụng hỗ trợ đóng ghép gì khác nên khối kiến trúc này càng thêm đặc biệt.

Và những khác biệt độc đáo khác…

*Nội thất gỗ – một trong những nét độc đáo nổi bật của công trình kiến trúc này

Tương phản và nổi bật lên trên gam nhu trầm của gỗ trăm năm là các tấm kính màu vẽ hình ảnh các tích trong kinh thánh đồng thời hứng sáng cho không gian giáo đường. Nắng soi qua kính tạo thành những màu sắc đẹp như bức tranh được đóng khung gỗ quý treo trên trần nhà, gợi cảm giác vừa quen vừa lạ.

Quen vì các hàng cột đặc trưng của kiến trúc Roman và kính màu được sử dụng phổ biến ở các nhà thờ trong giai đoạn này. Lạ vì nó nằm giữa không gian gỗ đậm bản sắc của một dân tộc thiểu số; không hề chỏi, vênh mà lại rất hài hòa.

Các bức tường của nhà thờ đều được xây bằng đất trộn rơm – một kiểu làm nhà truyền thống của người miền Trung có lẽ do đội ngũ nghệ nhân xây dựng chủ yếu đến từ miền này.

Đất trộn rơm bện lại thành khối và đắp lên nhau tạo nên bức tường vững chắc, gắn kết với cột kèo gỗ thành kiểu kiến trúc độc đáo. Ngôi giáo đường được trang trí theo hoa văn của các dân tộc ở Tây Nguyên; gần gũi với đời sống hằng ngày mà vẫn gợi cảm giác thiêng liêng, trang trọng.

Mùa Giáng sinh, tiết trời miền cao nguyên thường lạnh, còn gì thú vị hơn khi xúng xính trong chiếc áo khoác đến giáo đường xem lễ. Nếu đến đây vào dịp lễ Noel, bạn sẽ có dịp gặp rất đông giáo dân thuộc nhiều tộc người thiểu số đến nhà thờ làm lễ. Họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải nhà thờ có khi cả tuần để tham dự lễ. Những tiếng cầu kinh bằng tiếng Ba Na vang vọng trong không gian này luôn gây ấn tượng mạnh với tôi.

Điểm đến của uyên ương và cả những tấm lòng từ thiện

*Khuôn viên nhà thờ

Trong khuôn viên Nhà thờ gỗ Kon Tum còn có cô nhi viện, cơ sở may – dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may. Đám con nít buổi chiều thường theo người lớn ra đây chơi đùa trong khuôn viên rất rộng và thoáng của nhà thờ. Không biết từ lúc nào, các đôi uyên ương ở Kon Tum và khá nhiều người từ nơi xa, thậm chí ở tận Sài Gòn cũng hay đến nhà thờ gỗ để lưu lại những hình ảnh kỷ niệm hạnh phúc đời người cho mình.

Khi đến đây, bạn đừng quên ghé thăm các trẻ mồ côi được nuôi dạy ở dãy nhà phía sau mang tên Mái ấm Vinh Sơn. Hiện mái ấm của nhà thờ đã phát triển ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đều mang tên Vinh Sơn và nhà thờ gỗ là nơi đầu tiên nuôi dưỡng, dạy dỗ các bé.

Đến đây, bạn có thể mua những chiếc bánh mì tự làm để ủng hộ bọn trẻ. Chúng mềm, thơm và dẻo chứ không giòn như loại bánh mì thường thấy ở Sài Gòn. Những chiếc bánh thơm ngon mùi đường cháy đầy thú vị. Bọn trẻ thường tranh thủ đêm đêm trước khi đi ngủ hay sáng sớm trước giờ đọc kinh để làm bánh. Thế nên đôi khi bạn sẽ được thưởng thức một ổ bánh mì có hình dạng… lạ lùng có lẽ vì cô bé/cậu bé nào đó vừa làm bánh mì vừa… ngủ gục.

Đôi khi, bạn sẽ thấy hành trình khám phá những miền đất mới có thêm những dấu lặng dễ thương để hành trình ấy, bên cạnh việc thưởng lãm phong cảnh còn có những trải nghiệm gợi nhắc niềm yêu thương.

Nếu đi đường bộ, theo Quốc lộ 14, quãng đường Sài Gòn – Kon Tum dài khoảng 600km. Bạn có thể mua vé tại bến xe Miền Đông. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 40 chuyến xe khách chạy tuyến đường này từ các nhà xe: Đức Thưởng, Long Vân, Minh Quốc, Phong Phú, Phượng Thu, Phượng Thu Xanh…; thời gian chạy chủ yếu vào chiều hoặc tối, từ 14g25 – 18g30, thời gian di chuyển khoảng 13 giờ. Giá vé từ 300.000 – 350.000 đồng.

Vì Kon Tum không có sân bay dân sự nên nếu đi máy bay, bạn sẽ bay tuyến Sài Gòn – Pleiku và đi tiếp tầm 44km nữa.

Mức giá khách sạn, nhà nghỉ ở Kon Tum phổ biến ở mức từ một sao đến ba sao, khoảng 300.000 – 500.000 đồng/phòng. Giá thuê xe máy: 150.000 đồng/ngày.

Mùa khô Tây Nguyên nói chung và Kom Tum nói riêng thường kéo dài từ tháng 12 hằng năm đến tháng Tư năm sau, thuận tiện hơn cho các hoạt động tham quan, trekking. Những tháng cuối năm là thời điểm hoa dã quỳ nở rộ.

Ngoài nhà thờ gỗ, bạn có thể kết hợp tham quan một số địa điểm như: nhà rông Kon Klor – nhà rông lớn nhất Tây Nguyên, cầu treo Kon Klor, Tòa giám mục Kon Tum, nhà ngục Kon Tum, làng cổ Kon K’Tu, xã Ðắk Rơ Wa của người Ba Na. Tất cả đều nằm trong hoặc vùng ngoại ô thành phố, cự ly gần nên rất thuận tiện cho việc đi lại, khám phá.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

  • Hình bìa: Nhà thờ gỗ Kon Tum – công trình kiến trúc độc đáo đã hơn trăm tuổi

Nguồn: Báo Phụ nữ TPHCM

Recommended For You

Trả lời