Gần 20 năm qua, ThS. Trương Hoàng Phương và cộng sự vẫn luôn sáng tạo và đầu tư phát triển sản phẩm “Bản đồ du lịch Việt Nam” và dự án xuất bản “Bản đồ du lịch Việt Nam – Lào – Campuchia” tỷ lệ lớn, dạng gấp, có thể bỏ túi. Cho đến nay, Bản đồ du lịch Việt Nam không chỉ đã hỗ trợ cho sinh viên làm tài liệu học tập thực tế mà còn giúp ích cho cộng đồng có kênh thông tin đáng tin cậy để nâng cao kiến thức và chỉ dẫn thiết thực khi tự thực hiện chuyến du lịch trong cả nước.
Bén duyên lữ hành và trở thành người “thổi hồn” vào bản đồ du lịch
Từ năm 1991 – 1993, khi còn đang giảng dạy tại khoa địa lý, Trường đại học sư phạm TP.HCM, ThS. Trương Hoàng Phương đã tham gia cộng tác hướng dẫn viên du lịch các tour dành cho du khách quốc tế (tour dành cho du khách nước ngoài sử dụng tiếng Anh) tại Công ty du lịch lữ hành Saigontourist. Qua các lần hướng dẫn du khách, ông đều ghi chú cẩn thận số liệu và hiện trạng thực tế, đối chiếu với lý thuyết đã từng học và soạn bài giảng dạy tại giảng đường cho sinh viên.
ThS. Trương Hoàng Phương cho biết: “Năm 1996, có lẽ là bước ngoặt với mình khi quyết định xin nghỉ dạy ở trường đại học sư phạm để về làm công tác nghiên cứu phát triển ở Saigontourist.
Công việc hấp dẫn này liên quan đến việc tiếp cận nhiều nguồn tài liệu từ các ấn phẩm du lịch hiếm hoi được công ty mang về từ các hội chợ du lịch nước ngoài đến các chuyến khảo sát thực tế và các cuộc hội thảo du lịch tại các địa phương trong cả nước.
Lần lượt nhiều loại ấn phẩm du lịch đã ra đời từ các tờ rơi (leaflet) cho đến những chương trình tour hàng năm (annual tour program) dày cộm, trong đó có nhiều loại ấn phẩm bản đồ. Trong giai đoạn này, phát hành bản đồ rất khó khăn từ nguồn tư liệu, kỹ thuật khắc âm bản, kỹ thuật in ấn đến giấy phép xuất bản”.
Sau 10 năm gắn bó với Saigontourist, ThS. Trương Hoàng Phương dành thời gian và tâm huyết cho hoạt động thiết kế chương trình Team building độc đáo, mang kiến thức tích lũy được để giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên chuyên ngành du lịch, cũng như dành thời gian khảo sát thực tế các điểm, tuyến đường trong cả nước. Có thể nói, dấu chân của ông đã đặt lên mọi miền của đất nước và được thể hiện vào “Bản đồ du lịch Việt Nam”.
Hạnh phúc lớn nhất khi làm được điều mình nghĩ và giúp mọi người sử dụng điều mình làm
ThS. Trương Hoàng Phương cho rằng kiến thức thì rộng lớn nên chỉ nghĩ mình góp phần nâng cao kiến thức về địa lý và vẻ đẹp của đất nước Việt Nam qua việc cập nhật và xuất bản Bản đồ du lịch Việt Nam cho mọi người sử dụng.
Các bản đồ du lịch Việt Nam của ông được thể hiện trên nền địa hình và thường xuyên cập nhật thông tin về các đơn vị hành chánh, hệ thống giao thông và các điểm du lịch mới. Nhiều địa danh tuy nhỏ, nhưng nổi tiếng trong thơ ca, vẫn có thể tìm thấy như Bình Ca trong “Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca” (bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu), hay Bất Bạt trong “Cách biệt bao lần quê Bất Bạt” (bài “Đôi mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng).
Bản đồ du lịch Việt Nam của ông luôn cập nhật kịp thời các địa danh “phượt” nổi tiếng của giới trẻ như Tà Năng – Phan Dũng hay chuẩn bị lên bản đồ địa danh “Tà Sùa” (còn gọi là Sống lưng khủng long) nằm giữa ranh giới tỉnh Yên Bái và Sơn La, đỉnh Bạch mộc lương tử với độ cao đầy thử thách 3.046 m, thay thế cho Fansipan đã bị bê tông hóa. Cho đến nay, các địa danh du lịch nổi tiếng tại các vùng miền đều được ông mã hóa bằng hình ảnh đặc trưng của người dân địa phương, địa danh bằng tiếng Việt nhưng các chú thích bằng tiếng Anh để tất cả mọi người đều có thể sử dụng khi du lịch.
Chia sẻ về dự án Bản đồ du lịch Việt Nam – Lào – Campuchia đang hoàn thiện và sắp xuất bản, ThS. Trương Hoàng Phương cho biết: “Chúng tôi vẫn sử dụng khổ lớn và gấp lại để dễ sử dụng. Chất lượng in cao cấp để không bị mau hư hỏng. Khối lượng thông tin, hình ảnh và các chú thích phải tương ứng với đặc trưng của từng quốc gia. Đặc biệt, yếu tố cập nhật hóa ở mức cao nhất và được các cơ quan chức năng ở từng quốc gia tham gia hỗ trợ biên tập, kiểm duyệt sát thực tế từng địa phương. Nhóm thực hiện mất hơn 5 năm cho việc đầu tư tâm huyết và công sức cho dự án này”.