Nguồn gốc và lịch sử phát triển của Chương trình OCOP

    Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội nước ta. Trong hơn 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những thành tựu to lớn, lịch sử, tạo nên bước ngoặt trong phát triển nông thôn nước ta.

    Diện mạo nông thôn khởi sắc, hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội thay đổi rõ rệt, đáp ứng một cách căn bản nhu cầu của người dân. Kinh tế nông thôn phát triển, có sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ nông thôn, từng bước gắn phát triển toàn diện nông thôn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần tăng sự hài lòng của cư dân nông thôn, tạo nền tảng ổn định chính trị – xã hội thông qua tăng thu nhập và giảm nghèo nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó kinh tế nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn: cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, nông nghiệp phát triển thiếu bền vững; năng suất lao động thấp; thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

    Trong bối cảnh đó, nhằm phát huy dư địa, tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm ngành nghề nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, truyền thống địa phương, ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020. Đây là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa…) để đẩy mạnh phát triển sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người dân gắn với xây dựng NTM.

    Trọng tâm của Chương trình OCOP (One Commune One Product) là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các diễn đàn kết nối cung – cầu, nâng cao các giá trị văn hóa của các miền quê Việt Nam. Ngoài ra, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.

    Về lịch sử phát triển Chương trình OCOP, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,… trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế đất nước nói chung, đã rất chú ý đến phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn theo hướng nội sinh, chú trọng các nguồn lực sẵn có làm động lực phát triển (đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý, công nghệ truyền thống, lòng tự hào, khả năng sáng tạo,…).

    Điển hình là Phong trào OVOP (One Village One Product) “Mỗi làng một sản phẩm” bắt đầu được khởi xướng ở Oita (Nhật Bản) từ năm 1979 nhằm khuyến khích mỗi làng lựa chọn một sản phẩm đặc biệt cho khu vực và phát triển nó lên một tiêu chuẩn quốc gia và toàn thế giới.

    Sự phát triển của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” được xem như một cách tăng cường kỹ năng kinh doanh của các cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng các nguồn lực, kiến thức địa phương, tạo ra giá trị bổ sung thêm thông qua hoạt động xây dựng thương hiệu của sản phẩm địa phương và xây dựng nguồn nhân lực trong nền kinh tế địa phương.

    Phong trào OVOP đã lan tỏa và được triển khai thực hiện trên 40 nước ở các khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ… và đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn của các quốc gia. Tại Trung Quốc, có những Phong trào như “Mỗi nhà máy, một sản phẩm”, “Mỗi thành phố, một sản phẩm”, “Mỗi làng, một báu vật”. Tại Thái Lan, có Chương trình OTOP (One Tambon, One Product). Tại Philippine, có phong trào “One Barangay, One Product” (Mỗi làng, một sản phẩm). Tại Malaysia, có phong trào “Satu Kampung, Satu Produk” (Mỗi làng, một sản phẩm), hiện tại là phong trào “Satu Daerah, Satu Industry” (SDSI hay “Mỗi làng một nghề”). Tại Indonesia (Đông Java), có phong trào “Back to Village” (Trở lại làng quê). Ở Campuchia, có phong trào “One Village, One Product” (Mỗi làng, một sản phẩm). Tại Malawi, có phong trào “One Village, One Product” (Mỗi làng, một sản phẩm). Tại Hàn Quốc, có chương trình “Mỗi làng một nhãn hiệu”. Ở Hoa Kỳ, có phong trào “One Paris, One Product” (Mỗi xứ một sản phẩm). Đến nay đã có 143 quốc gia trên thế giới triển khai chương trình này.

    Cho dù tên gọi ở mỗi quốc gia có khác nhau, song đều có điểm chung của chương trình là: 1.Tiếp cận về phát huy giá trị nội sinh gắn với tổ chức cộng đồng, đặc biệt là giải quyết việc làm, lao động nông thôn. 2.Giải pháp để tổ chức sản xuất, phát huy tiềm năng các sản phẩm đặc sản địa phương. 3.Chương trình phát triển kinh tế gắn với các chính sách hỗ trợ phù hợp. 4.Xúc tiến thương mại với tiếp cận về thương mại các di sản vật thể, hình ảnh địa phương, quốc gia để thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao giá trị…

    Ở Việt Nam, từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành các chính sách như Nghị định số 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, được thay thế bằng Nghị định số 52/2018/NĐ-CP năm 2018, với mục tiêu tập trung hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nhằm phát huy các thế mạnh về sản phẩm ở các vùng nông thôn. Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thí điểm mô hình “Mỗi làng một nghề” ở một số địa phương như Điện Biên, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên Huế, An Giang và đạt được một số kết quả quan trọng.

    Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã chủ động áp dụng để phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” vào năm 2013 gắn với Chương trình xây dựng NTM. Kết quả, sau 5 năm triển khai Chương trình đã khẳng định hướng đi đúng, sáng tạo, bài bản của tỉnh Quảng Ninh trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, góp phần nâng cao chất lượng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

    Đúc kết từ các bài học kinh nghiệm và yêu cầu của thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 về việc phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 để triển khai trên phạm vi cả nước nhằm những mục đích: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong sản xuất, thương mại các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân trong Chương trình xây dựng NTM, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM.

    Đến nay, Chương trình đã được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên cả nước, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình, cùng với đó là bộ máy tổ chức triển khai Chương trình được xây dựng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

    HẢI YẾN

    Recommended For You