Ý nghĩa của việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP tại Việt Nam

    Mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP là khuyến khích các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị truyền thống của địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn.

    Ngoài ra, chương trình này còn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các nhóm sản phẩm đặc sản có lợi thế ở làng, xã trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn, nhất là chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn.

    Ngoài mục đích phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn, gồm: Giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; phát huy nguồn lực cộng đồng như: tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, công nghệ, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng.

    Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và tổ chức Hội nghị toàn quốc (tại tỉnh Bắc Giang) triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

    Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Chương trình) đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; ban hành Kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình OCOP, lựa chọn 12 tỉnh (Hà Giang, Sơn La, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Nội, Quảng Ninh) có đặc thù về địa lý, văn hóa, ngành nghề nông thôn để xây dựng một số mô hình phục vụ cho việc triển khai, nhân rộng trong vùng và trên cả nước; văn bản chỉ đạo hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP gắn với trách nhiệm cụ thể của các cấp (tỉnh, huyện, xã); văn bản hướng dẫn tổ chức lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình OCOP phù hợp và hiệu quả; xây dựng biểu trưng OCOP Việt Nam và áp dụng thống nhất trên cả nước… Bộ Công Thương hướng dẫn về phát triển Điểm bán hàng OCOP; Bộ Tài Chính hướng dẫn sử dụng vốn sự nghiệp để triển khai Chương trình OCOP…

    Tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP cấp tỉnh, một số tỉnh đã ban hành Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh uỷ về Chương trình OCOP. UBND các tỉnh đã hình thành bộ máy triển khai Chương trình, giao nhiệm vụ và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là các Sở, ngành có liên quan. 100% các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện, 50% số tỉnh đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã và phân công cán bộ phụ trách OCOP cấp xã. Nhiều địa phương đã sử dụng bộ máy của Chương trình nông thôn mới để triển khai Chương trình OCOP, tạo sự thuận lợi và đồng bộ trong quá trình thực hiện. Đến hết năm 2020, có 25 tỉnh đã giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới và 38 tỉnh giao cho Chi cục phát triển nông thôn là cơ quan thường trực chương trình.

    Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh về nhiều lĩnh vực, như: Phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ khoa học – công nghệ; phát triển sản xuất, liên kết chuỗi giá trị; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu;… Đặc biệt là các chính sách khen thưởng để động viên, khích lệ kết quả phát triển sản phẩm OCOP cho các chủ thể, điển hình như Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bến Tre…

    Giai đoạn 2018 – 2020, đã có 2.961 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 6.210 sản phẩm. Các chủ thể đã được hỗ trợ nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực, đã có 874 sản phẩm được hỗ trợ chuẩn hóa về chất lượng; 792 sản phẩm được hỗ trợ về đăng ký sở hữu trí tuệ; 1.266 sản phẩm được hỗ trợ về bao bì, nhãn mác; 1.098 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ nâng cao năng lực; và 1.552 chủ thể được hỗ trợ xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm.

    Đến nay, 60 tỉnh, thành phố đã có kết quả đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm, cụ thể:

    – Cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 1.759 sản phẩm (chiếm 37,16%), miền núi phía Bắc chiếm 20,56%, tiếp đến là khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 15%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 88 sản phẩm (chiếm 1,85%).

    – Sản phẩm đạt 3 sao chiếm 62,05%; sản phẩm đạt 4 sao chiếm 36,2% và sản phẩm tiềm năng 5 sao chiếm 1,72%. Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký.

    – Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, có 3.789 sản phẩm (chiếm 80%) thuộc nhóm thực phẩm, 8,8% thuộc nhóm lưu niệm nội thất và trang trí, 6,3% thuộc nhóm đồ uống, còn lại là các sản phẩm khác. Đặc biệt, đã có 35 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP.

    – Đã có 2.610 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, 37,8% là các HTX, 27,7% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 31,7% là cơ sở/hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

    Các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10.000 gian hàng; 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP của 23 tỉnh được xây dựng và đưa vào hoạt động; 1.016 hợp đồng/bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết, trong đó 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market… và một số siêu thị địa phương;

    Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả, như hội chợ OCOP thường niên của tỉnh Quảng Ninh; chuỗi sự kiện kết nối sản phẩm các vùng miền của Thành phố Hà Nội; nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư gắn với OCOP của tỉnh Đồng Tháp;… góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.

    HỒNG PHƯỢNG

    Recommended For You