“Ngày xưa, nơi này chỉ toàn là nhà tranh thôi…”, mẹ ti tê kể chuyện cho đứa cháu gái, con đầu lòng của chị tôi, nghe. Khoảng năm, bảy năm trước, khu tôi vẫn còn lác đác vài mái nhà tranh. Ào đi một cái, nhà tranh trở thành dĩ vãng.
Nhà tranh, tứ phía đều tranh. Buổi trưa, những cọng cỏ tranh co lại, phiên tranh hở lỗ chỗ. Nắng lọt, lém lỉnh nhảy nhót như chơi đùa. Chiều mưa, nước giọt tranh chảy thành dòng, đục những cái lỗ tròn tròn dưới hiên đất.
Người ta bảo, nếu chôn rượu thuốc dưới chỗ nước giọt tranh, rượu sẽ thấm và ngon hơn. Ba nghe vậy, bẫy một con chim bìm bịp, đào mấy củ hà thủ ô, khúc khắc, bỏ vào bình, đổ ngập rượu, chôn dưới mái hiên. Chẳng biết rượu có thật sự ngon hơn không nhưng ba có vẻ trông chờ lắm.
Nhà tranh, trưa nóng thì mát, đêm lạnh lại ấm.
Bữa cơm vừa xong, thò tay vào vách nhà bẻ một cọng cỏ khô làm tăm.
Thỉnh thoảng, người trong xóm rủ nhau tụ họp, ăn uống, tán chuyện, hát hò. Xoong nồi, bát đĩa cũng thành nhạc cụ.
Đêm về, trăng cao nguyên soi tỏ không gian. Mẹ thích trăng, ra hiên ngồi ngắm. Ba im lặng ngồi bên cho đến khi sương xuống làm mờ ngan ngát trăng ngà. Chị em tôi thổi tắt đèn, chơi trò bắt ánh trăng lọt qua mái lá. Những sợi trăng dài, trong veo.
“Nhà tranh có tốt hơn nhà xây không bà?”, cháu tôi hỏi. Mẹ ậm ừ, có vẻ muốn trả lời “không” nhưng chẳng nỡ.
Nhà tranh thì tất nhiên không thể tốt bằng nhà xây nhưng nó đã chiếm một phần nào đó trong ký ức. Một phần rất nhỏ nhưng quên không đành…