Nhớ nhà ngoại

    Từ năm 9 tuổi, tôi bị suyễn. Năm đó, nhà tôi chuyển từ thành phố biển Tuy Hòa vào sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh sầm uất. Cũng từ năm ấy, không hiểu sao tôi dễ bị hắt hơi, đôi lúc khó thở, là do khói bụi thành phố hay do ba tôi nghiện thuốc lá nặng hoặc đơn giản vì tôi là đứa chẳng may mắc phải chứng viêm mũi dị ứng?!

    Mỗi năm hai lần, tôi về thăm lại Tuy Hòa. Tôi đi dọc con đường chạy ven biển, tham lam thu vào hơi gió, vị mằn mặn của biển và màu trắng ngút ngàn của những bãi cát titan. Sau đó là bắt một chuyến xe buýt, vượt thêm sáu mươi cây số về quê ngoại. Qua cửa kính xe, tôi ngắm nhìn những ngôi nhà nhỏ lọt thỏm sau những màu xanh của vườn tược, đồng ruộng và rừng núi.

    Nhà ngoại ngày xưa trong mắt tôi rất lớn, bây giờ trông lại mới thấy bé nhỏ. Chỉ có cây cối quanh nhà vẫn um tùm muôn thuở. Những cái cây hiếm người chăm sóc, vẫn bền bỉ mà sinh tồn. Hàng râm bụt thắm màu lửa, những hàng dừa chót vót ngước lên không thấy đỉnh, những vạt cỏ dại lẫn hoa bồ công anh trải khắp một triền dốc, hệt như gần chục năm trước.

    Ông bà ngoại tôi đều đã ngoài tám mươi, vẫn chỉ hai người nương tựa vào nhau mà sống. Cậu Ba ở gần nhất cũng cách gần chục cây số, cách ngày phải đi đi về về. Ngày ngày, bà đi bộ lên chợ, mua miếng cá miếng rau về tự tay nấu cho ông ăn. Bà từng bảo tôi, không phải đồ bà nấu ông ăn không được.

    Ở thành phố, tôi không bao giờ ngủ trưa và hiếm khi nào ngủ trước nửa đêm, như bao nhiêu đứa bạn cùng trang lứa. Về quê ngoại, tiếng rì rào thân thiết của những rặng dừa cùng cái mơn man rất nhẹ của ngọn gió hè giấc trưa sẽ nhanh chóng ru tôi vào cõi mộng. Buổi tối, tầm mười giờ, mí mắt đã bắt đầu sụp xuống, cơn buồn ngủ không cách nào cưỡng lại. Sáng sớm, tôi sẽ tự động thức giấc khi tiếng chim vườn tíu tít vọng qua cửa sổ. Thực là hệt như trong phim.

    Giường nhà ngoại vừa nhỏ vừa cứng, nệm chỉ mỏng bằng một phần năm nệm nhà tôi, vậy mà bao nhiêu kỳ nghỉ về đây, ngủ dậy chẳng bao giờ thấy đau lưng nhức đầu. Cậu Út tôi giải thích, vì nồng độ oxy trong không khí ở đây gấp nhiều lần trong thành phố, nên con người ta ngủ sâu hơn, hô hấp tốt hơn, sống khỏe hơn…

    Mé phải nhà ngoại có một con đường mòn nhỏ, xuyên qua vườn dừa, hướng lên một ngọn đồi nhỏ. Trên ấy có một cái đìa lớn, mùa nuôi tôm, mùa nuôi cá, mà mặt nước lúc nào cũng lặng, chỉ trông qua đã thấy thư thái.

    Tôi thường thích lên đó chơi. Đứng trên triền dốc thoải cạnh đìa tôm, tôi ngước lên cả một vùng trời cao thẳm, rất trong và rất lặng. Phóng tầm mắt xa một chút, sẽ lập tức thấy ngút ngàn những sắc xanh nâu hòa hợp trải thành trùng điệp núi non. Mỗi lần đứng ở chốn này, vây giữa trùng điệp xanh ngát, tôi lại cảm thấy bình yên, thấy lòng mình an tĩnh một chút, đỡ âu lo một chút. Mỗi lần đứng ở chốn này, trong lòng lại khấp khởi ước mơ, giá như những màu xanh này có thể trải thật rộng, thật xa, giá như chúng ta có thể phát triển mà vẫn bảo toàn màu xanh ấy vĩnh viễn.

    Không phải tự nhiên mà ông bà ngoại đã quá cái tuổi “xưa nay hiếm” từ lâu mà vẫn có thể ngày ngày đi chợ, tưới rau. Nhưng cũng không phải tự nhiên mà con cháu đều rời bỏ chốn yên bình ngát màu xanh này đến những phố thị phồn hoa. Cuộc sống là một cuộc đánh đổi. Con người thực sự đã đánh đổi rất nhiều thứ để đổi lấy văn minh và phát triển, trong đó có thiên nhiên và sức khỏe của chính mình. Không cần biện minh, không phải chúng ta không hiểu, chỉ là chúng ta đã lựa chọn đánh đổi. Liệu tương lai… ta có thực sự hối hận vì sự lựa chọn ấy chăng?

    LÊ HUỲNH AN THỦY

    Recommended For You