Những cánh thư của cha

Ngày tôi sinh ra ở trên đời này thì cha vẫn còn ở trong quân ngũ. Đơn vị cha đóng ở mãi tận chiến trường Miền Nam đầy máu lửa, khi chiến tranh chống Mỹ còn đang trong giai đoạn ác liệt, và cái sống cái chết chẳng thể biết trước được đối với bất cứ ai. Tôi chính là “sản phẩm” của tình yêu giữa mẹ và cha.

Mẹ kể: Cưới nhau chưa qua hết tuần trăng mật thì cha phải lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc đi đánh giặc ở phương xa. Và trong giai đoạn tập kết huấn luyện ở gần địa phương trước khi đi chiến trường, nhân một lần về thăm nhà chớp nhoáng trước khi đi xa mà chưa biết hẹn ngày trở về, “giọt máu” là tôi mà cha gửi gắm trong bụng mẹ đã khởi đầu hình hài từ bữa đó…

Biền biệt những tháng ngày dài nơi chiến trận, cha khiến hết thảy người thân, xóm giềng lo lắng, ngóng trông.

Những năm tháng ấu thơ đầy vất vả nơi thôn quê của tôi, dẫu thiếu vắng bóng hình của người cha nhưng mẹ vẫn thay phần cha, nhân lên gấp đôi những tình cảm, sự yêu thương để chở che vỗ về và nuôi tôi lớn lên.

Mẹ bảo: “Cha mày đi biền biệt thế, nhưng sau khoảng 1 năm đầu “mất tăm”, về sau thi thoảng vẫn an ủi động viên và khiến mọi người trong gia đình yên tâm, vui lên nhiều khi hay biên thư về!

Trong thư bao giờ cha mày cũng kể về chiến sự gian khổ đầy ác liệt ở chiến trường.

Rồi thì cha cũng không bao giờ quên hỏi thăm tình hình sức khỏe của mọi người trong gia đình, hàng xóm, dân làng…, và đặc biệt là luôn hỏi thăm về con xem đã lớn nhiều chưa, có chăm ngoan học giỏi không?…”.

Những cánh thư viết vội của cha với nét chữ nguệch ngoạc tuy ngắn ngủi nhưng bao giờ cũng chan chứa tâm tư tình cảm ở trong đó để gửi về quê hương. Tôi từng đọc những bức thư cha viết từ năm học cấp 2, nhưng khi đó tôi không nghĩ được mẹ lại có thể giữ được những bức thư ấy lâu đến thế để làm kỷ niệm.

Khi giặc tan, đất nước giải phóng, cha trở về đoàn tụ và hành trang của cha mang theo chẳng có gì ngoài vài bộ quần áo lính sờn cũ bạc màu cùng chiếc ba lô con cóc. Những kỷ vật ấy đi theo chiều dài thời gian cùng cha trong những năm cuối đời.

Mẹ tôi cũng là một người hoài niệm, luôn trân trọng kỷ vật khi cũng lưu giữ không sót những cánh thư mà ngày cha gửi từ chiến trường về.

Tôi còn nhớ chính xác, cả thảy có 34 bức thư kỷ niệm bạc màu cha gửi mà mẹ vẫn nâng niu gói gém cho vào một túi nilon rồi để trong chiếc hòm gỗ.

Tôi trưởng thành, mẹ cha cũng đã là người thiên cổ khi trở về với cát bụi từ mấy năm nay nhưng những kỷ vật của cha cùng những cánh thư cha gửi cho mẹ từ chiến trường của những ngày xưa ấy vẫn luôn được tôi nâng niu lưu giữ với sự trân trọng, bởi những kỷ vật của mẹ cha ấy chính là hiện vật vô giá trong mạch nguồn cảm xúc…

Nguyễn Gia Long

Recommended For You

Để lại một bình luận