Những con số ấn tượng của ngành Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023.

Ngày 30/6, tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã trình bày khái quát hoạt động của ngành thông tin truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023.

Đóng góp của ngành Thông tin và Truyền thông vào GDP ước đạt 389.792 tỷ đồng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 41,24% so với kế hoạch năm 2023. Việc sụt giảm doanh thu là từ mảng công nghiệp ICT. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6 ước khoảng 1.512.144 lao động, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực bưu chính, viễn thông tiếp tục tăng trưởng

Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 27.477 tỷ đồng, tăng 5,48% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 43,78% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 2.970 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 50,34% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng bưu gửi trong 6 tháng ước đạt 1.098 triệu bưu gửi, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,74% kế hoạch năm 2023.

Doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 74.473 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 53% kế hoạch năm 2023; nộp ngân sách ước đạt 19.338 tỷ đồng, giảm 18,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 39,47% kế hoạch năm 2023.

Doanh thu công nghiệp ICT giảm 10%

Riêng trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh thu ước đạt hơn 1,44 triệu tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.

Theo thống kê, số doanh nghiệp công nghệ số cả nước đến nay đạt khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,70% so với cùng kỳ năm 2022.

Về nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ở nhiều nước chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp do tác động cộng hưởng của xung đột giữa Nga và Ukraine và ảnh hưởng của hậu đại dịch Covid-19.

Điều này tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam nói chung và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin nói riêng, các đơn hàng xuất khẩu công nghệ thông tin của Việt Nam sụt giảm.

Lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia: 63 địa phương đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về chuyển đổi số

Tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ước tính đến hết tháng 6/2023 là 287.620.511 triệu giao dịch, đạt 33% kế hoạch năm 2023 (860 triệu giao dịch).

22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0. 22/22 Bộ, ngành đã ban hành kế hoạch/đề án về chuyển đổi số.

Tính đến ngày 18/6, cả nước thành lập 74.521 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 63/63 địa phương với 348.629 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố. Có 52/63 địa phương hoàn thành 100% đến cấp xã.

Tính đến ngày 19/6/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện ước đạt 90,66%, đạt 90,66% kế hoạch năm 2023 (mục tiêu năm 2023 là 100%). Hiện có 80/83 Bộ, tỉnh đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (Hà Nội, Nam Định, Đắk Nông chưa ban hành).

63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị về chuyển đổi số, kế hoạch/đề án về chuyển đổi số và kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.

Lĩnh vực an toàn thông tin mạng tăng trưởng 14,3%

Doanh thu lĩnh vực ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022 (1.885 tỷ đồng), đạt 39,35% kế hoạch năm 2023 (5.474 tỷ đồng).

Số lượng lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước khoảng 3.600 lao động, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022 (3.226 lao động) và đạt 90% kế hoạch năm 2023 (4.000 lao động).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nền tảng: Hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và hỗ trợ điều tra số để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo đảm an toàn thông tin; Đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện, xử lý các trang web lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; Cảnh báo và hướng dẫn khắc phục các điểm yếu, lỗ hổng nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin.

Lĩnh vực báo chí tăng 6,8%, nhiều thay đổi đáng kể

Đó là sự thay đổi nhận thức về công tác truyền thông chính sách; Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí; Lần đầu tiên tổ chức kiểm tra một nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới là TikTok.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai hiệu việc ngăn chặn thông tin xấu độc trong các tình huống đặc biệt ảnh hưởng an ninh quốc gia như vụ việc ở Đắk Lắk; Bắt đầu nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo của các nhãn hàng trong nước từ nền tảng xuyên biên giới về các báo, các trang, kênh nội dung sạch.

Doanh thu lĩnh vực báo chí 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20,495 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 47,28% kế hoạch năm 2023.

Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 17,2 triệu thuê bao, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời ước đạt khoảng 93%, không đổi so với cùng kỳ năm 2022.

Số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 98,7% kế hoạch năm 2023.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày khái quát hoạt động của ngành thông tin truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023.

Lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tăng 10%

Doanh thu lĩnh vực ước đạt 44,561 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 1,898 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Đóng góp vào GDP ước đạt 13,091 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, hoạt động ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam 21/4 đã được tổ chức thành công với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn diễn ra tại nhiều Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy xuất bản và văn hoá đọc phát triển.

Nguồn: Báo Nhân Dân | Lâm Thảo

Hình: Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Recommended For You