Mùa nước nổi ở ĐBSCL cũng là mùa bà con nông dân khai thác thủy sản trên đồng ruộng, kẻ đặt lờ, đặt lọp, người săn chuột, soi nhái, giăng lưới, cắm câu… Nghề đắp ụ xúc lươn đã có từ lâu, cách thức đơn giản nhưng không kém phần độc đáo.
Ông Phạm Văn Thái ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp – Hậu Giang được coi là một trong những người có kinh nghiệm xúc lươn lâu đời nhất ở địa phương.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nước nổi là ông chuẩn bị xuồng, vợt để ra đồng xúc lươn từ 1 giờ khuya cho đến gần sáng mới về đến nhà. Trên chiếc xuồng ba lá gắn máy, ông Thái hướng về các ụ cỏ mà ông đã chất ủ từ nhiều ngày trước.
Vừa tới nơi, ông bật đèn sáng lên, nhảy xuống nước, hai tay cầm chiếc vợt to bằng lưới cước, đường kính hơn 1 m, thọc sâu xuống nước, xúc một cái thật gọn cho chiếc vợt ôm trọn ụ cỏ.
Tiếp theo, ông nâng chiếc vợt lên khỏi mặt nước rồi từ từ hốt từng nắm cỏ bỏ sang một bên. Xong ông dạo qua dạo lại cho sạch bùn và rác rến. Lúc bấy giờ, dưới đáy vợt bắt đầu hiện ra những con lươn vàng óng ả.
Cứ thế, ông xúc hết ụ này đến ụ kia, bình quân mỗi đêm xúc từ 50 – 70 ụ, kiếm khoảng vài ba ký lươn lớn nhỏ khác nhau. Lươn nhỏ ông đem về nuôi chờ lớn lên mới bán.
Ông Thái cho biết: “Trước đây xúc ụ nào cũng được vài ba con lươn loại 1, loại 2, nay nhiều khi xúc cả chục ụ mới kiếm được một hai con lớn.
Nói là nói vậy, chứ mùa nào tôi cũng kiếm vài chục triệu đồng nhờ lươn thiên nhiên giá lúc nào cũng cao, nhiều người lại thích ăn hơn lươn nuôi trong bồn”.
Theo ông Thái, nghề này cực, đòi hỏi phải có sức khỏe và chịu lạnh giỏi mới dám trầm mình dưới nước như ông.
Lươn rất ít ai xúc ban ngày vì khi mặt trời vừa lóe lên là chúng rời khỏi ụ để đi kiếm ăn. Thấy đơn giản nhưng tốn sức. Cực nhất là phải phát cỏ đắp ụ cho cao và còn phải bắt ốc đập ra làm mồi nhử cho lươn vào.
“Mùa xúc lươn hàng năm bắt đầu từ tháng 8 – 10 (âm lịch).
Mỗi năm tôi đắp từ 100 – 150 ụ cỏ và chia làm 2 đợt để xúc, mỗi đợt cách nhau một ngày và cứ quay vòng cho đến kết thúc mùa vụ.
Trước tiên phải chọn những nơi nước trong, nhiều cỏ để làm ụ giống như đắp mô vì lươn không thích ở nơi nước thối.
Trước kia nghề này có rất nhiều người làm nhưng vì cực khổ quá nên dần dần họ chuyển sang nghề đặt lợp và đặt trúm khỏe hơn nhưng thu nhập không bằng nghề xúc lươn”, ông Thái nói.