Những xu hướng công nghệ hàng đầu năm 2023

Trong năm qua, thế giới công nghệ tiếp tục chứng kiến những bước tiến vượt bậc; sự phát triển nhanh chóng của các phát kiến công nghệ đã làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau, từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy cho đến nhu cầu ngày càng tăng về an ninh mạng và metaverse (vũ trụ ảo).

Cùng nhìn lại những xu hướng công nghệ có tác động mạnh mẽ nhất năm 2023 để khám phá cách chúng định nghĩa lại các ngành nghề, tái định hình các doanh nghiệp và tạo tiền đề cho một tương lai kết nối chặt chẽ và hiệu quả hơn.

AI tạo sinh: Cuộc cách mạng AI

Chính thức trình làng vào cuối năm 2022, ChatGPT được xem là bước tiến quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI). Khác với các dạng AI truyền thống, AI tạo sinh có thể tự động tạo ra nội dung mới dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và mã nguồn dựa trên dữ liệu huấn luyện và các mạng nơ-ron.

ChatGPT được xem là bước tiến quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo.

AI tạo sinh cho phép các doanh nghiệp cách mạng hóa quy trình phát triển sản phẩm, thiết kế, hoạt động chăm sóc khách hàng, cũng như các chiến lược bán hàng và tiếp thị theo cách mới và hấp dẫn. Nó có thể tăng cường khả năng của con người trong việc thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, đồng thời giúp gia tăng đáng kể sự sáng tạo và năng suất trong các hoạt động kinh doanh và xã hội.

AI tạo sinh bao gồm một loạt các kỹ thuật học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) như mô hình Transformer, mạng sinh đối kháng (GANs) và bộ mã tự động biến đổi (VAE), được thiết kế để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, bao gồm tóm tắt, phân loại và soạn thảo.

Do các ứng dụng AI tạo sinh được xây dựng dựa trên các mô hình cơ bản, nhiều công ty hiện nay đã phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được tinh chỉnh, tận dụng sức mạnh của các mô hình ngôn ngữ được huấn luyện trước.

Blockchain và Web 3.0: Các kiến trúc và hệ sinh thái phi tập trung

Trong một thế giới mà sự ngờ vực đang ngày càng gia tăng, blockchain (công nghệ chuỗi khối) và Web 3.0 đóng vai trò quan trọng giúp xây dựng lại niềm tin trên không gian số bằng cách phi tập trung dữ liệu.

Blockchain là một sổ cái kỹ thuật số phi tập trung, an toàn và minh bạch, cho phép ghi lại các giao dịch mà không cần trung gian. Công nghệ này đã làm biến đổi một số ngành công nghiệp với sự xuất hiện của các loại tiền điện tử, bao gồm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Trong năm 2023, blockchain mang đến những thay đổi đáng kể trên rất nhiều lĩnh vực nhờ khả năng tăng cường tính minh bạch và an ninh, loại bỏ các trung gian, tối ưu hóa hoạt động và giảm thiểu gian lận trong quản lý dữ liệu. Web 3.0 là thế hệ thứ ba của internet với sức mạnh được tăng cường bởi trí tuệ nhân tạo, học máy và blockchain. Nó phân cấp quyền lực cho người dùng, giúp tăng quyền sở hữu và kiểm soát đối với tài sản kỹ thuật số của họ.


Blockchain có tiềm năng xây dựng niềm tin giữa các bên liên quan bằng cách thiết lập tính minh bạch và tính bất biến của dữ liệu được lưu trữ trên blockchain. Dự báo trong năm 2024, blockchain sẽ tiếp tục phát triển với tài chính phi tập trung (DeFi) và các token không thể thay thế (NFTs).

AI mã thấp hoặc không mã: Phát triển phần mềm thế hệ tiếp theo

Thế giới cạnh tranh ngày nay đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt, phản ứng nhanh và có khả năng chống chịu để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng. Các nền tảng mã thấp (low-code) và không mã (no-code) được thiết kế nhằm đơn giản hóa quy trình phát triển phần mềm hiện đại bằng cách cho phép giao diện kéo và thả (drag-and-drop) trong xây dựng các ứng dụng phần mềm.

Các nền tảng này giúp doanh nghiệp phát triển và triển khai các nguyên mẫu chức năng, các thiết kế thử nghiệm và các mô hình AI tùy chỉnh một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn mà không cần kiến thức lập trình phức tạp.

Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tăng cường tính linh hoạt và tốc độ cung cấp phần mềm dựa trên việc tự động hóa các nhiệm vụ, cải thiện đáng kể độ chính xác và đồng thời giảm chi phí – những yếu tố giúp họ duy trì tính cạnh tranh. Các nền tảng mã thấp hoặc không mã như Google AI cung cấp các công cụ mạnh mẽ và mô hình được xây dựng sẵn để phát triển các ứng dụng AI.

Bản sao kỹ thuật số và in 3D: Kết nối thế giới thực và thế giới số

Công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) và in 3D đang phát triển nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chăm sóc sức khỏe, sản xuất, ô tô, hàng không vũ trụ, xây dựng và kỹ thuật. Digital Twin là một phần mềm mô phỏng nhân bản một đối tượng vật lý trong không gian ảo. Nó tập trung vào việc tạo ra mô hình ảo của các cơ quan, mô phỏng các quy trình phẫu thuật và đưa ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng cá nhân.

Trong ngành công nghiệp ô tô, Digital Twin giúp tạo ra mô phỏng trên thực tế của những chiếc xe, từ quá trình thiết kế đến thử nghiệm, qua đó giảm thời gian, chi phí, công sức và dấu chân carbon (carbon footprint).


Trong khi đó, công nghệ in 3D vượt trội hơn nhiều so với việc tạo ra những mô phỏng và nguyên mẫu kỹ thuật số. Nó có thể tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh và độc đáo đáp ứng nhu cầu của tổ chức. Ngành chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất khi in 3D giúp phát triển các sản phẩm như bộ phận giả, các mảnh cấy răng, các mảnh cấy xương và kỹ thuật in tế bào.

Tương tự, ngành công nghiệp ô tô cũng hưởng lợi từ công nghệ in 3D trong nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, bao gồm việc sản xuất các bộ phận phức tạp, các linh kiện tùy chỉnh và nguyên mẫu.

Metaverse (vũ trụ ảo): Tương lai của kết nối số

Metaverse (vũ trụ ảo) được coi là một phiên bản chân thực của internet, thay đổi cách chúng ta tương tác với môi trường ảo trong thời gian thực. Metaverse được tạo ra bằng cách kết hợp các công nghệ Thực tế ảo (Virtual Reality), Thực tế tăng cường (Augmented Reality) và Blockchain, mang đến trải nghiệm nhập vai cho người dùng, khác biệt so với thế giới thực.

Vì phiên bản hiện tại của Metaverse là một tập hợp nhiều không gian ảo thay vì một không gian duy nhất, cho nên nó mang lại nhiều lợi ích hữu hình, như trong lĩnh vực video game hay phòng mổ ảo.

Gần đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào nền tảng Metaverse do sự phổ biến ngày càng tăng của công nghệ này, cũng như do tỷ suất lợi nhuận cao và sự gia tăng nhu cầu về trải nghiệm ảo. Nó giúp nhân viên tối ưu hóa hoạt động của họ trong khi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm nhập vai độc đáo. Nó tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn, sự cộng tác hiệu quả hơn, hiệu quả về mặt chi phí và tăng cường năng suất cá nhân. Mặc dù vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, song đây là một khái niệm thú vị giúp định hình tương lai của thế giới ảo và xa hơn thế nữa.

Metaverse được tạo ra bằng cách kết hợp các công nghệ Thực tế ảo (Virtual Reality), Thực tế tăng cường (Augmented Reality) và Blockchain.

Kiến trúc Zero Trust và nhận dạng kỹ thuật số: Vì một tương lai số an toàn hơn

Kiến trúc Zero Trust (ZTA) và nhận dạng kỹ thuật số là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế số an toàn và đáng tin cậy. Giải pháp này bao gồm kiến trúc zero-trust, các hệ thống nhận dạng kỹ thuật số, và kỹ thuật bảo mật thông tin, tạo điều kiện cho các giao dịch trực tuyến an toàn và đáng tin cậy.

ZTA cung cấp một khuôn khổ quản lý và xác thực danh tính như: người dùng, dữ liệu và tài sản trong một môi trường số. Nó thực thi chính sách bảo mật một cách nhất quán và chủ động phát hiện những mối đe dọa tiềm tàng, bao gồm rò rỉ dữ liệu và tấn công mạng.

Kỹ thuật bảo mật thông tin tập trung vào giảm thiểu các rủi ro liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu, phân bổ tài nguyên và kiểm soát quyền riêng tư. Nó giúp các tổ chức nâng cao khả năng chống lại tác động mạng trong một môi trường kinh doanh phân tán, đồng thời cho phép người dùng hợp pháp truy cập các tài nguyên thích hợp.

Tuy nhiên, một kiến trúc mạnh mẽ yêu cầu sự cộng tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và nhà cung cấp công nghệ. Đồng thời, đòi hỏi một chiến lược cụ thể và quản trị để triển khai các công cụ bảo mật một cách hiệu quả nhằm đạt được kết quả kinh doanh mong muốn.

Tự động hóa quy trình bằng robot: Cobot (robot cộng tác)

Mỗi doanh nghiệp phải chuyển động song hành cùng với các công nghệ để nắm bắt nhu cầu của khách hàng và yêu cầu thị trường nhằm tiếp tục phát triển và đổi mới. Với sự xuất hiện của giải pháp công nghệ Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), các doanh nghiệp cho phép robot đảm nhận các nhiệm vụ nhàm chán, có tính lặp đi lặp lại, tối ưu hóa hiệu suất của nhân viên bằng cách giao cho họ những nhiệm vụ có mức độ ưu tiên cao.

RPA kết hợp khả năng của trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, tối ưu hóa và tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, qua đó cải thiện hiệu suất và độ chính xác. Bằng việc triển khai RPA, doanh nghiệp có thể loại bỏ đáng kể các lỗi do con người gây ra, giúp tăng năng suất và tiết giảm chi phí.

RPA thúc đẩy sự linh hoạt và khả năng chống chịu của doanh nghiệp bằng cách xử lý các công việc quan trọng nhanh hơn và chính xác hơn con người. Cobot là một hình thức của RPA, được đưa vào sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô và điện tử, nhằm làm việc cùng con người để bảo đảm an toàn trong một không gian làm việc cộng tác.

Vì khác biệt với các robot tự động, cobot được triển khai khi các ngành công nghiệp cần ưu tiên an toàn, tính linh hoạt và tỷ suất lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc triển khai RPA đòi hỏi kế hoạch cẩn thận, đào tạo toàn diện và quản trị để hoạt động một cách hiệu quả.

Nguồn: Báo Nhân Dân | VĂN TOẢN (Theo iLink Digital)

Recommended For You