Chưa bao giờ người dùng điện thoại lại cảm thấy bất an và bị làm phiền như hiện nay. Ðó là bức xúc của bạn đọc khi phản ánh về tình trạng các cuộc điện thoại quảng cáo hoặc lừa đảo dù đã giảm nhưng vẫn thường xuyên gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người sử dụng.
Chị Mai Hoa ở quận Hà Ðông, Hà Nội có một cửa hàng kinh doanh thiết bị nhà bếp nên thường xuyên giao tiếp với khách hàng qua điện thoại di động. Tuy nhiên, chị cảm thấy mệt mỏi khi phải nhận cả chục cuộc gọi “rác” mỗi ngày. “Chưa bao giờ tôi cảm thấy bất an khi sử dụng điện thoại như hiện nay. Công việc kinh doanh buộc tôi phải nghe các cuộc gọi, nhưng hễ có số máy lạ là phải nghe quảng cáo, đòi nợ, thông báo con bị tai nạn, dọa khóa điện thoại…” – Chị Hoa than phiền.
Bà Nguyễn Thị Ðoàn, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể: “Tôi già rồi, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp con cháu. Tôi cũng không đi siêu thị, không mua bán gì trên mạng, không cung cấp số máy cho người lạ. Vậy mà, không hiểu sao tôi thường xuyên nhận được các cuộc gọi chào mời tham gia dịch vụ spa, du lịch, mua bán nhà đất, chứng khoán. Họ còn gọi đúng họ tên tôi, làm tôi thấy lo lắng, không yên tâm”.
Nhiều bạn đọc phản ánh, tình trạng các cuộc gọi “rác” diễn ra thường xuyên đã làm mất thời gian, thậm chí gây phiền toái, lỡ việc. Có những cuộc gọi đến vào giờ nghỉ trưa, họ từ chối nghe còn bị người gọi lăng mạ, dọa nạt. Những cuộc gọi như thế lại đến từ nhiều số điện thoại khác nhau, khiến cho việc ngăn chặn rất khó khăn.
Trung bình một tháng, mỗi thuê bao di động nhận được từ vài chục đến cả trăm cuộc gọi không rõ nguồn gốc. Phần lớn là các cuộc gọi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, bất động sản, chứng khoán, chương trình khuyến mãi… Không chỉ khổ vì các cuộc gọi quảng cáo, người dùng còn dễ dàng bị “sập bẫy” lừa đảo từ các cuộc điện thoại lạ, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Gần đây, Cục Thuế TP Hà Nội cũng phát thông tin cảnh báo: Xuất hiện các đối tượng giả danh cán bộ thuế yêu cầu người dân truy cập vào các đường link giả mạo để chiếm quyền sử dụng điện thoại từ xa, sau đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản. Theo đó, đối tượng lừa đảo hướng dẫn người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế bằng cách bấm vào một đường link gửi qua Zalo, Facebook,… Nếu thực hiện theo yêu cầu, ngay lập tức, các tính năng thông thường trên chiếc điện thoại của người dùng sẽ không thể sử dụng được nữa.
Bằng cách này, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, máy tính của người dùng từ xa để thực hiện các thao tác: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng internet, đọc, ghi danh bạ; tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ internet banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại. Các tin nhắn xác thực mã OTP, chuyển tiền, đều bị phần mềm gián điệp ẩn chuyển cho các đối tượng lừa đảo mà chủ điện thoại không hay biết.
Cục Thuế TP Hà Nội cũng khuyến cáo khách hàng khi nhận được tin nhắn hoặc thông báo lạ, người nộp thuế cần liên hệ lại với cán bộ thuế theo số điện thoại được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế TP Hà Nội để xác thực tại thông tin; tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn lạ tự xưng là cơ quan thuế hoặc không rõ nguồn gốc về ủy quyền đóng thuế, mua bán hóa đơn; không đăng nhập tài khoản giao dịch điện tử, tài khoản eTax Mobile cá nhân vào những địa chỉ này.
Ðể tránh tình trạng lừa đảo khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế hoặc thực hiện các nghiệp vụ về thuế, người nộp thuế có thể lên trực tiếp cơ quan thuế hoặc liên hệ cán bộ đầu mối của Cục Thuế, Chi cục Thuế trên địa bàn để được hỗ trợ qua số điện thoại được công bố trên trang Thông tin điện tử của Cục Thuế TP Hà Nội.
Hiện nay, việc quét mã QR trên điện thoại di động để thanh toán đã trở nên phổ biến bởi sự tiện lợi. Thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản, người dùng chỉ cần quét mã QR rồi nhập số tiền gửi, giúp cho việc thanh toán nhanh chóng hơn. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã thực hiện dán QR giả mạo ở những khu vực cần thanh toán như bệnh viện, nhà hàng, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 4/10, tại một số quầy thanh toán viện phí của Bệnh viện Nhi Trung ương, xuất hiện tình trạng đối tượng xấu dán mã QR thanh toán giả mạo nhằm lừa đảo người dân chuyển tiền thanh toán viện phí vào tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt. Ngay sau khi phát hiện sự việc, bệnh viện đã nhanh gỡ bỏ các mã QR giả mạo, đồng thời tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người nhà người bệnh thực hiện đúng các quy định về thanh toán viện phí, phối hợp và báo cáo cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý kịp thời.
Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia đã hướng dẫn người dùng điện thoại cách chống các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo như: Sử dụng ứng dụng chặn cuộc gọi và tin nhắn rác; không chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại trên các trang web, diễn đàn, hoặc ứng dụng không tin cậy; kích hoạt chế độ không làm phiền trên điện thoại để tắt cuộc gọi và thông báo từ số điện thoại không quen thuộc; hạn chế quyền truy cập ứng dụng như: quyền truy cập danh bạ, tin nhắn, cuộc gọi; thận trọng khi đăng ký dịch vụ và tham gia trực tuyến; liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ di động để được hỗ trợ.
Từ năm 2020, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã triển khai hệ thống quản lý danh sách không quảng cáo (DNC), cho phép mọi thuê bao có thể đăng ký chặn cuộc gọi rác và tin nhắn quảng cáo. Người dùng điện thoại chỉ cần soạn tin DK DNC gửi đến số 5656, số điện thoại này sẽ được đưa vào danh sách không nhận quảng cáo. Cách thứ hai là truy cập vào trang web khongquangcao.ais.gov.vn, nhập số điện thoại vào mục “Quản lý danh sách không quảng cáo”, và nhấn “Ðăng ký”, hệ thống sẽ gửi một tin nhắn chứa mã OTP đến số điện thoại của thuê bao để xác nhận. Sau khi nhập mã OTP này, hệ thống sẽ thông báo kết quả xử lý.
Khi muốn thực hiện cách chặn cuộc gọi rác từ các nhà mạng: Viettel, MobiFone và VinaPhone, người dùng soạn tin nhắn với cú pháp: TC gửi 199; TC gửi 9214; TC gửi 18001091, mọi tin nhắn có nội dung khuyến mãi hoặc quảng cáo từ các nhà mạng này sẽ ngừng gửi đến cho thuê bao.
Ðể bảo vệ thông tin cá nhân, người dùng nên sử dụng mật khẩu dài, phức tạp và khác nhau cho từng tài khoản trực tuyến; kích hoạt xác minh hai yếu tố để bảo vệ tài khoản khỏi việc truy cập trái phép; cập nhật hệ điều hành, trình duyệt các ứng dụng phần mềm lên phiên bản mới nhất để bảo mật tốt hơn; sử dụng các dịch vụ lưu trữ dữ liệu có mã hóa dữ liệu như: iCloud, Google Drive) và mã hóa dữ liệu quan trọng trên thiết bị di động; tránh sử dụng wifi công cộng không an toàn, tối ưu hóa cài đặt riêng tư trên các mạng xã hội để kiểm soát thông tin cá nhân chia sẻ.
Ðiện thoại thông minh mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, vì vậy người dùng cần thực hiện các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân và tăng cường an toàn trực tuyến khi sử dụng.
Nguồn: Báo Nhân Dân | THƯ MINH