Huyện Nông Sơn (Quảng Nam), là vùng đất nghĩa tình, giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây có thiên nhiên kỳ thú, người dân chân chất, mộc mạc, thân tình; là nơi hội tụ của nhiều phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và lễ hội.
Danh thắng “Hòn Kẽm Đá Dừng” ở Nông Sơn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa, cuộc sống lao động, sản xuất nơi đầu nguồn sông Thu Bồn (thuộc địa phận xã Quế Lâm). Bao thế hệ người dân xứ Quảng đã từng nghe câu ca: “Ngó lên Hòn Kẽm – Đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Địa danh Hòn Kẽm Đá Dừng này đã và đang níu chân bao du khách thập phương.
Địa bàn huyện có nhiều công trình thủy lợi như: hồ Hóc Hạ, đập Nà Bò, Lôi Trạch… cộng với hệ thống kênh mương Phước Bình, Thác Nai, Rù Rì, Đồng Dinh, Nà Tranh…, nhằm mở rộng diện tích tưới tiêu chủ động, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa và hoa màu và cũng là điểm tham quan hấp dẫn bởi mỗi cái tên hồ đập là một phong cảnh riêng, đẹp đến ngỡ ngàng.
Khách đến Nông Sơn còn được nghe những truyền thuyết kỳ thú gắn liền với tên làng, tên núi, tên sông, danh thắng như: vườn Tiên – Núi Chúa, núi Cà Tang, lăng Bà Thu Bồn, Tí, Sé, Dùi Chiêng, làng trái cây Đại Bình, nước nóng Tây Viên, thủy điện Khe Diên, mỏ than Nông Sơn…
Hiện nay, huyện Nông Sơn đang đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, khai thác các điểm du lịch sinh thái, canh nông nhằm từng bước phát triển Nông Sơn thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Hòa – chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, kinh tế vườn kết hợp với trang trại, gia trại, trồng cây ăn trái đang mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở Nông Sơn. Hiện nay, diện tích vùng cây ăn trái tại Nông Sơn, đặc biệt là các giống cây đặc hữu như bưởi trụ, bưởi da xanh, sầu riêng… không ngừng tăng lên. Không chỉ vùng Đại Bình (Quế Trung) chuyên về trồng cây ăn trái, mỗi xã được định hướng phát triển từ 30 – 50 ha cây ăn trái.
Tin vui là làng Đại Bình đã được tỉnh công nhận là “Làng nghề trồng cây ăn trái”. Huyện Nông Sơn cũng thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ vùng cây ăn trái, từ các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với làng nghề, tạo động lực cho nền kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đầu ra của làng nghề trồng trái cây Đại Bình cũng như sự hoạt động của các khu du lịch canh nông đang gặp nhiều khó khăn nhất định. Hiện nay, các cấp, các ngành đang nghiêm túc chấp hành Nghị quyết 84/ NQ-CP của Chính phủ nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19.
Bài và ảnh: TIÊN SA