Núi Voi, và một loài thực vật buồn

    Núi Voi – người Cill bản địa dưới chân núi gọi nó là Bnơm Dà Rwas (diễn ra nghĩa theo tiếng phổ thông là núi có nguồn nước chảy xuống và ở đỉnh của núi mang dáng hình chiếc ngà voi). Nó đẹp ngây ngất, cho dù mỗi ngày có sương phủ trên đỉnh kia không…

    Như những cánh rừng trên dãy núi Voi, tôi thương dãy núi  này như thịt da của mình. Cánh rừng nào thì cũng phải yêu thương vì nó là quà tặng của trời đất. Rừng trên núi Voi này lại càng quý, vì nó có thông đỏ.  Tôi nhớ lại như in, là mấy chục năm nay, nhiều chuyên gia y tế bảo nước mình may mắn còn tồn tại một loài cây thuốc đặc biệt hiếm quý. Rằng thông đỏ quý, vì trên thế giới, nửa thế kỷ trước ở Mỹ người ta đã dùng nó để chiết xuất ra thuốc  có thể chữa  một số bệnh ung thư.

    Ấy là sau khi nhà sinh hóa P. Poitier (người Mỹ) chiết tách được chất 10 deacetyl baccatin III (10-DAB III) từ lá của loài thông đỏ và chuyển hóa chất này thành chất có hoạt tính chống ung thư là taxol và taxotere trong thập niên 1970 – 1980, rồi đưa vào điều trị thành công chữa ung thư buồng trứng, vú, phổi, tuyến tiền liệt… Kể từ đầu thập niên 1994, dược chất taxol được phổ biến ra thị trường Mỹ, rồi toàn thế giới. Khó có ai làm trong ngành y, dược ở Việt Nam mà có thể không nghe biết đến taxol. Hai mươi lăm năm sau đấy, Việt Nam tôi cũng đã nhận được thông tin quan trọng và tuyệt vời này. Và các nhà dược học trong nước đã tìm đến núi Voi để lấy cành lá của nó về phân chiết hóa học, rồi xác nhận đúng là có hoạt chất taxol nhiều. Từ đó, các cơ quan nghiên cứu lâm sinh của Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Viện khoa học lâm nghiệp… cũng tìm lên ngọn núi đây để lấy mẫu của nó về nghiên cứu, nhân giâm tạo giống, cố giữ lấy nguồn gen. Đó là những cây cổ thụ lâu năm, mà không thể xác định tuổi, bởi chúng được biết đến là loài phát triển rất chậm. Những cây cổ thụ ít ỏi này nằm chen trong một số loài cây thích nghi được với khí hậu núi cao lạnh khác. Hy vọng tạo ra được cây non. Hy vọng rồi sẽ thành rừng, trồng rừng, trồng công nghiệp. Giấc mơ bảo tồn được nguồn gen cây rừng quý, và giấc mơ về một chương trình sản xuất thuốc chữa ung thư hàng hóa từ loài cây hiện hữu trên đất nước mình. Các vườn thực nghiệm rừng tôi lui tới, chỗ nào cũng trầy trật trong việc ươm giữ nguồn gen cây rừng quý này.

    Ai cũng bàn tán, tụng ca, vinh danh thông đỏ. Vài cơ quan y dược, doanh nghiệp cũng lập dự án phát triển nó – sản xuất dược liệu. Những “cánh rừng hy vọng” được nói đến. Nhưng rồi, chả có cánh rừng thông đỏ mới thực sự nào được hình thành trên đất nước này từ dạo đó, ngoại trừ mô hình nhân nuôi giống nó mà Trung tâm nghiên cứu lâm sinh cùng Viện sinh học Tây Nguyên lập ra để “chờ” đấy, cùng một trại khảo nghiệm thử bước đầu gần đây của Viện nghiên cứu cây dược liệu. Nghĩa là thực tế cho đến lúc này chỉ có quần thể không hơn chục cây cổ thụ còn lại trên núi Voi là bằng chứng hùng hồn về sự tồn tại của loài thông đỏ – nguồn gen gốc.

    ***

    Tôi không phải dân y học, hay lâm sinh, nhưng tôi quý nó vì hy vọng cho đồng loại kiệt cùng của mình đang nằm ở các bệnh viện ung thư. Hoạt chất taxol, một biệt dược, từ loài cây này. Trong vỏ và lá của nó chứa chất paclitaxel có tác dụng diệt một số loại tế bào ung thư. Taxus wallichiana Zucc – tên khoa học của nó – vẫn nằm chới với trên núi Voi với tư cách một cổ thực vật lá kim, chưa là cứu tinh cho những con người sắp chết trên nước Việt. Tôi muốn bảo vệ tới cùng nó, cho một ngày nào đó có một đề án an toàn cho nó, để mọi người còn nguồn gen mà làm những việc lớn kế tiếp. Nhưng tôi bất khả, vì một trái tim bé nhỏ đơn này thì không thể đương đầu với lâm tặc dưới chân núi Voi và quyền lực ở đâu đó. Tôi đã làm mọi thứ bằng sứ phận của một người yêu cây cỏ, báo cho kiểm lâm, chính quyền thôn xóm đến tỉnh về những cuộc tận triệt loài cây đó. Nhiều khi tôi muốn hét vang trên đỉnh núi Voi để nó vọng hết thung lũng dưới kia, khắp vùng Định An này, cho âm thanh vọng xa hơn nữa về bài ca đạo lý cuối cùng khi cư xử với loài cây này, và hơn cả một loài cây. Mà lâm tặc thì vốn thế, cái bao tử của họ mới là quan trọng chứ không phải nguồn gen thực vật nào, hay tiếng hét đạo đức của kẻ dở hơi nào đấy. Bởi vân cây thông đỏ cổ thụ cưa ra, quá đẹp. Cái giá 1,5  – 2 triệu USD cho một ký taxol (taxoid) không bằng một miếng gỗ mỗi cạnh tám mươi phân họ bán 900 ngàn – 1,5 triệu đồng tiền tươi. Vấn đề là gỗ chứ không phải dược chất, hỡi những kẻ mang trái tim từ mẫu, nghệ sĩ, hay thi sĩ. Vấn đề là nó phải được đưa xuống núi, an tọa trong salon phòng khách, giường ái ân của người trưởng giả thời mới. Sau này, khi thăm chơi nhà nhiều đại gia, tôi càng ngỡ ngàng không hiểu sao những tấm phản nằm và bộ bàn ghế bằng gỗ thông đỏ có thể rơi xuống không gian đó. Có thể giới y dược, lâm sinh, và kẻ rỗi hơi tôi coi nó quan trọng, nhưng với nhiều người, nhiều chỗ thì nó cũng chỉ là một thứ cây rừng, như bao loài cây rừng, và bình minh lên mỗi ngày họ có việc khác quan trọng, cần kíp hơn, “vì cộng đồng” hơn.

    ***

    Cứ xổ đèo Prenn, rời Đà Lạt, là ai cũng phải ngang qua dãy núi Voi. Xoay ánh mắt sang bên phải là tôi thương cho ngọn núi và cánh rừng còn trên đó. Tôi có thể định vị vị trí có thông đỏ, số lượng, và kích cỡ của từng cây trên đấy. Vì tôi đã khám phá hết ngọn núi này, và nay hay leo lên đấy để xem những cây cổ thụ Taxus wallichiana Zucc kia có còn. Cứ vài tháng thì một khoảng trống rừng trơ ra. Vài năm thì mỏng đi, vắng thêm những cây quen thuộc. Dưới những gốc thông đỏ đó, có khi những cành nhánh chứa taxol kia đã khô, những tấm ván bìa vứt lại lăn lóc, hoặc những gốc nhựa ứa ra hãy còn tươi. Không phải dân dược học, nhưng tôi biết nhựa kia cứu được người. Không phải dân lâm nghiệp, nhưng tôi biết đã gần cạn kiệt một nguồn gen hiếm quý. Không phải dân lâm sinh, nhưng tôi biết, cây nào đã bị cưa đổ là vĩnh biệt cây đó, và quần thể thông đỏ cuối cùng trên đất nước này bước đến gần hơn sự biến mất, vì xung quanh không có tái sinh, hay thế hệ cây non tiếp nối. Nhà nước trả tiền lương tháng cho người ở những cơ quan bảo vệ núi, rừng khác chứ không cho tôi – tôi không cần điều đó, nhưng tôi thương cho sự mất mát của chính quyền, và của đất nước tôi, lại càng thương những người đang nằm trong các bệnh viện hy vọng sẽ được cứu từ phép màu mang tên “biệt dược”. Từ vườn trên đỉnh núi đến bungalow an dưỡng, biệt thự trên đỉnh núi có mấy hồi, vấn đề chỉ là thời gian, và sự biến ảo của giấy tờ thế tục. Và sự thật là đã xuất hiện những kiểu điền gia trang, khu an dưỡng của tư nhân ngay chân núi, ở cái lối mòn mà tôi thường từ đó để lên xuống thăm những chỏm thông đỏ trên kia. Nếu thực sự coi quý giá trị thiên nhiên của ngọn núi nằm ngay cửa ngõ lên Đà Lạt và luật pháp bảo vệ rừng nghiêm minh thì nhiều rẫy vườn kia, những điền trang nọ đã không thể bỗng dưng lù lù xuất hiện trên đó được. Có người dân Đà Lạt, Đức Trọng, và du khách nào mà không nhận ra rẫy vườn ngày càng xôm tụ trên ngọn núi này đâu, nếu họ từng sống hay đến Đà Lạt trong hai thập niên qua. Người Cill hẳn thấy ngọn núi ngày một mất thiêng rồi. Và sự thật nhiều người bản địa trong các bản dưới chân núi dù chậm chân giờ cũng đã nhảy lên “kiếm chút”, bỏ qua nhận thức bao đời “rừng thiêng”, Yàng (thần linh) luôn ở trên đó…

    Những cây thông đỏ này, và làn hương taxol đó nó không cần một cơ chế đặc biệt (dù đáng ra nó xứng đáng để có cơ chế đặc biệt!) cho riêng nó trong việc bảo vệ, nó chỉ cần luật pháp bảo vệ rừng được thi hành thật sự ở ngọn núi là thì nó cũng được yên. Dù nơi tồn tại của nó chỉ cách Chi cục kiểm lâm tỉnh, Sở NN&PTNT Lâm Đồng chỉ một con đèo, theo đường chim bay thì không đầy ba cây số. Mà riêng gì nó đâu, trên ngọn núi Voi ấy, mười tám năm trở lại đây, bỗng dưng vườn tược mọc lên ào ào, đổ xuống khắp mặt núi, dù nó nằm ngay trước mắt, cửa ngõ lên Đà Lạt. Nhiều loài thực vật nguyên sinh khác đã ra đi để vườn tược thay chỗ. Cả xứ Định An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) lẫn người tỉnh lỵ Đà Lạt dân chúng đều rõ vườn tược kia toàn của các “cụ”, người giàu có gần xa đến, và dân liều. Phép màu của taxol trong chữa bệnh ung thư hẳn không bằng phép màu cho sự xuất hiện những vườn rẫy đó. Chỗ có quần thể thông đỏ cổ thụ chỉ còn là cái chỏm có màu xanh rậm, và cứ bé dần, bé dần thêm từng ngày.

    ***

    Hình như tôi ngây ngô, và đáng thương quá, khi cứ trèo lên ngọn tù mù mà bênh vực cho loài cây hoang dại trên ngọn núi không phải của mình, nó thuộc “sở hữu toàn dân”.

    Gần đây, tôi hay mang máy ảnh đi thật sớm để chụp về sương trên đỉnh núi Voi, vì nó là nơi thường có sương phủ. Tôi làm nghệ sĩ nhiếp ảnh cho nhẹ, khỏe người, để nói về sự mơ mộng của núi Voi, về cái bên trên những vòm lá kia, cái hư ảo, không phải cái trong ruột của những cánh rừng sự thật và mặt đất thế tục ở đó. Tôi cố quên đi những cây thông đỏ cuối cùng trên đấy. Thế mà có lần, chợt cậu thanh niên từ đâu ở phía sau, vỗ vai tôi: “Có miếng gỗ thông đỏ tươi mới, kích cỡ bằng cái ti vi màn hình phẳng 40 inch, anh mua không, tôi bán rẻ cho, giá 450 ngàn đồng?!”. Lòng tốt tàn bạo của một người bình thường sống bằng nghề xẻ gỗ dành cho một người và tước đi niềm hy vọng sống sót trên đời của nhiều người. Không lẽ tôi cũng sống phàm phu bất chấp như đám đông tham tàn ích kỷ sao; không tử tế rốt ráo được với một loài cây, ở ngọn núi thân thương của tôi?!.

    Này núi Voi, mi là “Ngọn núi hy vọng” của dân lành, chúng sinh lây lất trong các bệnh viện ung thư, và của nhiều điều trên thế nữa. Này những cây thông đỏ kia, ta cầu nguyện cho mi sống sót qua từng ngày!

    Bút ký của Krajan Bri

    Recommended For You