Ông nội tôi là liệt sĩ!

Ông nội tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh khi bố tôi vừa tròn 2 tuổi. Khi nhận tin con trai mình hy sinh, cụ tôi vì quá đau buồn mà đốt toàn bộ di ảnh, kỷ vật liên quan đến ông. Bà nội tôi chỉ kịp giữ lại thứ duy nhất – ấy là Giấy báo tử. Vì thế, cũng như bố, tôi không biết mặt ông nội mình. Tất cả chỉ qua tưởng tượng từ lời kể của bà nội.

Nhiều lần, khi rúc trong lòng bà, tôi hỏi: “Bà ơi, ông trông thế nào?”. Lần nào, tôi cũng nhận được câu trả lời: “Ông mày đẹp trai, duyên, lại có tài ca hát, đánh guitar giỏi, nhiều cô mê lắm”. Mỗi khi kể thế, ánh mắt bà tôi lại ánh lên, sáng ngời. Tôi thấy trong đó, cả một bầu trời yêu thương, tự hào về người chồng quá cố của bà.

Giờ bà tôi đã hơn 80 tuổi, bắt đầu nhớ nhớ, quên quên, nhưng khi ai hỏi về ông nội, bà sẽ đều trả lời như thế, minh mẫn đến lạ!

Ông nội tôi hy sinh khi còn trẻ. Tài sản quý giá nhất ông để lại cho bà là hai người con trai – một 4 tuổi, một 2 tuổi. Như nhiều phụ nữ có chồng hy sinh thời chiến khác, bà tôi tần tảo ở vậy nuôi con. Cuộc sống khó khăn nhưng bà tôi chưa bao giờ nghĩ về chuyện đi bước nữa. Không phải vì không có người để mắt tới, mà vì, như bà nói: “Bà không quên được ông!”.

Tôi lớn lên với nhiều ký ức về ông qua những lời kể của bà. Như một lẽ duyên nào đó, dù lựa chọn ban đầu không phải theo binh nghiệp nhưng cuối cùng, tôi lại khoác lên mình chiếc áo lính giống ông nội. Ngày tôi được nhận quyết định phong quân hàm sĩ quan, bố tôi rưng rưng, thắp nén nhang lên bàn thờ ông. Không biết bố tôi đã nói gì khi ấy, còn tôi, tôi tự nhủ thầm: “Ông nội ơi, giờ con với ông là đồng chí!”.

Ông nội tôi mất, chỉ còn Giấy báo tử với dòng chữ: “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”, không mộ phần, không biết chính xác địa điểm hy sinh. Bà tôi chỉ có thông tin duy nhất nhận được từ đồng đội của ông: Ông hy sinh khi đang trên đường hành quân. “Khi ấy là buổi tối, mọi người đang hành quân thì nghe thấy tiếng nổ lớn đằng sau. Đồng đội của ông đi đằng trước thảng thốt: “Chết rồi, thằng bạn mình ở đằng sau, khéo hy sinh mất rồi!”, bà tôi kể lại.

Vì hy sinh trên đường hành quân, lại khi đêm tối, nên ngay chính đồng đội của ông cũng không biết chính xác địa điểm hy sinh của ông là ở đâu, thuộc địa phận tỉnh nào, chỉ áng áng, có thể đó là Quảng Bình hoặc Quảng Trị, hoặc cũng có thể là đâu đó trên dải đất miền Trung, trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Nhiều năm nay, bố tôi luôn tìm cách đi tìm hài cốt của ông, nhưng mọi thứ dường như vô vọng. Không thông tin, không manh mối, cuộc tìm kiếm trong nhiều năm không có kết quả. Giờ bố tôi vẫn đau đáu việc tìm hài cốt nhưng cũng tự trấn an, cứ đi vào những địa điểm được cho là nơi hy sinh của ông, sẽ thấy ấm lòng.

Tháng 6, trời Quảng Trị nóng như đổ lửa, vài đám mây trôi hững hờ không che nổi ánh mặt trời gay gắt. Vậy mà, vừa đặt chân tới cổng vào Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bóng cây xòa rợp mát, gió thổi nhẹ xua tan đi cái nắng giữa Hè.

Các phần mộ tại nghĩa trang được sắp xếp quy củ. Tôi bước từng bậc thang, lần tìm khu mộ liệt sĩ TP Hà Nội. Trước bảng thông tin các liệt sĩ huyện Thường Tín, TP Hà Nội, tim tôi đập nhanh, ánh mắt dò tìm từ trên xuống dưới.

Không có! Không có tên của ông tôi! Tôi đưa tay lên, dò từng chữ một lần nữa. Vẫn không có!

Nước mắt tôi trào ra. Tôi khóc nấc lên như khi còn là một đứa trẻ. Lúc trước khi bước vào nghĩa trang, tôi đã tự dặn mình không được khóc, vậy mà…

Trước khói hương nghi ngút, tôi nhờ người bạn đi cùng, châm một điếu thuốc. Thuốc cháy, tôi cắm vào lư hương. “Ông mày rất thích hút thuốc”, bà nội tôi bảo thế.

Từ khi ông nội mất, bà tôi không làm giỗ một ngày, bà làm hai. Một ngày giỗ là ngày ghi trên Giấy báo tử của ông, một ngày là 27-7, Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Bà bảo, ngày giỗ 27-7 cũng quan trọng như ngày giỗ chính. Tôi cũng tin vậy. Bởi lẽ, 27-7 là ngày cả nước tri ân những Anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Hôm nay, lại một ngày 27-7. Tôi thắp nén hương thơm, lòng thầm nhắc nhớ: “Ông nội tôi là liệt sĩ!”.

BĂNG CHÂU

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Recommended For You

Trả lời