Sá sùng là đặc sản mà biển khơi ban tặng cho Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Nếu đến Quan Lạn mà không thưởng thức món canh sá sùng tươi thì thật uổng phí. Nhưng ít người biết được rằng để có được món sá sùng đặt lên bàn ăn của thực khách, người nông dân Quan Lạn đã phải vất vả đến thế nào…
“Nữ tướng” săn sá sùng
Có lẽ ngày xưa công việc này đã được mặc định là của phụ nữ, chẳng thế mà ca dao vùng mỏ đã có câu: “Con ơi con ngủ cho ngoan
Mẹ ra bờ biển bắt con sá sùng
Quanh năm cá biển rau rừng
Sa chân lỡ bước đường cùng thì thôi
Con đừng khóc nữa con ơi
Biết đâu sông nước đầy vơi bao giờ!”.
Câu ca dao đã làm chúng tôi tò mò, thôi thúc chúng tôi đến với thôn Tân Phong, xã Quan Lạn (Vân Đồn). Nơi đây, được biết đến với bãi Động, bãi khai thác sá sùng lớn nhất trên đảo.
Tưởng rằng con đường ra bãi biển dễ đi nhưng không phải vậy. Đường xa cỡ 2 cây số, hết đi men theo bờ đập lạo xạo toàn vỏ sò lại lội bùn ngập chân ở những bãi sú.
“Người đi đào sá sùng phải được trang bị ủng loại cứng kẻo vỏ ốc, vỏ sò xiên qua làm rách chân chảy máu như chơi”- chị Lưu Thị Yên, người đồng hành nhắc tôi như vậy trước lúc lên đường. Đi được vài trăm mét thì một không khí đông vui đã đập vào mắt tôi.
Dù mặt trời đã đứng bóng, khá oi bức nhưng cũng không ngăn được bước chân của những người phụ nữ say mê đào sá sùng.
Chị Yên mách tôi muốn đào được nhiều phải chọn ngày đẹp trời mà đi. Cứ vào tầm 9 giờ sáng thủy triều xuống, là lúc thợ săn sá sùng lên đường. Bốn giờ chiều nước lên, khi nước lên ngập bãi là công việc lại kết thúc.
Còn kỹ thuật đào thì gần như dân đảo ai cũng biết. Bằng con mắt sành nghề, người đào chỉ cần nhìn cái tổ trên cát là biết chỗ nào có sá sùng. Nó cứ mờ mờ trên cát, xung quanh miệng lỗ có những gợn cát vòng tròn.
Sá sùng là giống đào tổ dạng xiên chứ không thẳng đứng. Khi nhận biết được trong tổ có sá sùng, chị Yên nhấn mạnh cái mai xuống xiên theo hướng gió. Chị hất mạnh cát lên, tức thì một chú sá sùng cỡ ngón tay út đang loe ngoe trong tay chị.
Động tác của người đào sá sùng phải nhanh, dứt khoát, chỉ chậm một giây thôi là chúng sẽ chạy biến đi. Khi ấy công của người tìm tổ, đào mai chỉ là công dã tràng.
Tôi ngạc nhiên bởi sao mà ở cái bãi cát chưa đầy một cây số vuông này mà lại đông thợ săn đến thế. Chị Yên nhẩm tính có lẽ cũng cỡ chừng 400 người.
Đông người đến thế, chen cả vào nhau mà sao vẫn cứ đào được. Hỏi ra mới biết, không phải chỉ có người đào đâu mà người mua cũng đông.
“Trăm kẻ bán vạn kẻ mua mà”, anh bạn đồng hành với tôi cười bảo vậy.
Trong số 400 con người có mặt trên bãi lúc đó có lẽ phải đến hơn 100 người đi thu mua. Tính ra, 3 người đào lại có 1 người mua, toàn là phụ nữ cả.
Thu “vàng ròng”
Người đào sá sùng thậm chí chẳng cần lo đồ đựng bởi có khi được một, hai con người ta đã đến mua rồi.
Mỗi cặp sá sùng người đào sẽ được trả 10 ngàn đồng. Còn nếu dồn lại bán tại chỗ thì giá sẽ là 200 ngàn một cân. Mang lên bờ thì được thêm 50 ngàn nữa, giá bán sẽ là 250 ngàn đồng.
Vào những ngày đẹp trời, một người lành nghề sẽ đào được khoảng 4 – 5 cân sá sùng.
Mùa đào sá sùng kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tận tháng 8 năm sau.
Vào chính vụ và thời tiết thuận lợi, chuyện một người đi đào sá sùng có thu nhập chừng 1 triệu đồng một ngày không còn hiếm ở Quan Lạn nữa. Còn thu nhập cỡ chừng vài trăm ngàn một ngày thì gần như chị em nào đi đào cũng đạt được.
Theo nhiều thực khách, sá sùng ở Quan Lạn mình tròn, to hơn, ngon và ngọt hơn ở nhiều nơi khác. Vì thế một cân sá sùng khô nếu mua tận gốc ngay ở Quan Lạn này giá cũng dao động cỡ chừng trên dưới 4 triệu đồng.
Trong mấy năm trở lại đây, điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn xã Quan Lạn đã thay đổi đáng kể, ngoài phát triển ngành du lịch đang ngày một phát đạt ở đây, còn phát huy những thế mạnh từ nguồn lợi biển.
Đặc biệt ở thôn Tân Phong, theo quan sát của tôi, có bãi sá sùng lớn nhất của xã, nên người dân nơi đây cũng được khai thác lợi thế này. Anh Phạm Văn Thuận, bí thư Đảng ủy xã Quan Lạn, thì phấn khởi khoe: “Xã nhà có đến 3 bãi biển có thể khai thác sá sùng là Bãi Sau, Gốp Động, Đồng Hồ. Ước tính, con sá sùng đã mang 1/3 tổng nguồn thu hàng năm của xã”.
Nói rồi anh Thuận làm một phép toán đơn giản, lấy tổng thu nhập trong 9 tháng có thể đào sá sùng chia cho số người, chia cho tổng số 365 ngày một năm thì tính ra mỗi người cũng có ít nhất 200 ngàn một ngày, kể cả cho 3 tháng mưa gió, rét mướt không ra bãi biển được.
Nếu 500 người đi khai thác sá sùng đều đặn mỗi tháng chừng 20 ngày, trong 9 tháng thì xã nhà sẽ thu được 18 tỷ đồng.
Trước nguồn lợi vô cùng lớn đó, không ít người đã nảy lòng tham, khai thác sá sùng kiểu tận diệt, nghĩa là dùng máy sục nước sâu vào lòng bãi cát cho lỏng ra, sau đó hút cát lên, rồi dùng nước lọc như kiểu đãi cát tìm vàng. Thế là cát ra cát, sá sùng, ốc, ngao… thì giữ lại. Hệ quả là môi sinh ở vùng bãi biển bị phá vỡ. Nhiều loài hải sản có sức sống tốt hơn còn chẳng trụ được huống chi là sá sùng!
Anh Thuận cũng cho biết, hiện nay địa phương cấm lên chỉ cho phép đào sá sùng bằng mai. Trong thời gian vừa qua, xã đã thành lập tổ kiểm tra, tuyên truyền trên loa truyền thanh cho người dân, nghiêm cấm cách bắt sá sùng kiểu tận diệt, tịch thu các phương tiện dùng đánh bắt trái phép. Tuy nhiên, để có một chế tài xử lý hiệu quả thì xã vẫn còn thiếu. Trong tương lai không xa, sá sùng sẽ thành sản phẩm mang đặc trưng riêng của địa phương mỗi khi người ta nhớ về Quan Lạn.