Sống ở trang trại để hiểu hơn về thiên nhiên

Hòa mình vào thiên nhiên trong lành, tự tay làm bột kem đánh răng và chào bán sản phẩm ở hội chợ, trồng và thu hoạch rau củ quả, khám phá sự kỳ diệu của bóng mát trong vườn, học cách trân quý cám gạo và nước khi tự mình rửa chén… là những trải nghiệm thú vị, bổ ích cho trẻ em thành phố trong kỳ nghỉ tại trang trại An Nhiên (xã Triêm Tây, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Mô hình dạy trẻ trân quý thiên nhiên hút cha mẹ Việt

Hầu hết trẻ con lớn lên ở thành phố đều thường chỉ làm bạn với thiết bị công nghệ hiện đại, bị giam lỏng trong bốn bức tường, giải trí chỉ quẩn quanh các khu vui chơi, mua sắm nên dần mất khả năng tương tác với thiên nhiên. Thậm chí, có trẻ còn không biết đến con trâu, con gà, thỏ… trông ra làm sao trong thực tế, huống gì việc chăn nuôi, chăm sóc thế nào hay việc tưới cây, giữ đất ra sao. Vì không biết nên không trân quý khi mọi thứ đều có sẵn, chỉ cần đến siêu thị là mua được.

Những chuyến đi nghỉ ngắn hạn nhưng sang trọng quanh quẩn trong những resort đắt tiền, khách sạn tiện lợi chẳng mang lại giá trị tiếp xúc với thiên nhiên, trẻ con cũng chỉ biết hưởng thụ những thứ có sẵn nên đâu vẫn hoàn đấy.

Từ nhiều năm nay, không ít bậc phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để con trẻ về với thiên nhiên. Không ít cha mẹ xác định thay vì cho con tới khu vui chơi với nhà bóng, xúc cát trong phòng lạnh thì đưa con đến vườn rau, trang trại hay công viên nhiều cây xanh. Vừa được nghịch đất cát, biết rau củ quả, cách bắt con cá trong ao, cái bếp củi nấu ăn ra sao… trẻ sẽ biết nhiều thứ hơn, khám phá được thêm không ít khả năng của bản thân.

Không chỉ đợi đến mùa hè, nhiều phụ huynh đã dần “rủ rê” nhau đưa con đến ngoại ô, nơi có các trang trại vào mỗi cuối tuần để trải nghiệm cảm giác tập làm nông dân. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của những nông dân thực thụ, các bé sẽ được học về quy trình trồng cây, cách làm cho đất tơi xốp, giữ nước cho cây. Nhờ được cuốc đất, gieo hạt, phủ lớp đất mặt, tưới nước, trẻ dễ dàng thuộc tên của các loại rau thông thường, biết cách chế biến và quý trọng thức ăn hơn. Cuộc sống đồng quê dân dã với những hoạt động trải nghiệm mới mẻ như xay bột làm bánh căn, bánh xèo, nhổ cỏ, cắt rau khiến trẻ thêm phần hào hứng.

Với đầu óc trong sáng, nhanh nhạy, trẻ tiếp thu rất nhanh và đặt nhiều câu hỏi từ thú vị đến hóc búa, có đôi khi phải khiến người lớn giật mình và ngẫm nghĩ câu trả lời thuyết phục. Sau nhiều buổi thử sức ngoài vườn, dõi theo hành trình nảy mầm đâm chồi của cây, trẻ đã hiểu, để có thực phẩm cho mình sử dụng mỗi ngày, người trồng đã vất vả như thế nào. Thật khó mà kiềm được sự xúc động khi nghe đứa trẻ lên 7 thủ thỉ: con thương bác nông dân sớm tối tưới rau, vun gốc cho cây.

Trẻ biết sống chan hòa hơn, tình cảm hơn

Một đứa trẻ được khám phá thiên nhiên sớm sẽ tự trang bị kiến thức, hiểu biết để nhận ra điều gì an toàn, điều gì gây hại cho chúng.

Chẳng hạn, sau khi được đùa nghịch dưới các vũng nước nông, trẻ sẽ biết vũng nước là an toàn, nhưng ao lớn, hồ hay sông thì phải tránh xa vì chúng nguy hiểm; lửa thì nguy hiểm nhưng cực kỳ quan trọng và để nhóm được ngọn lửa nướng một củ khoai, nấu một nồi cơm thì cần phải biết cách mồi lửa ra sao, gác củi thế nào…

Ở An Nhiên, bên cạnh các trại sinh ghé thăm trong ngày, mùa hè còn là dịp trang trại chào đón các bạn nhỏ từ nhiều thành phố lớn tạm biệt gia đình, cuộc sống sung túc, no đủ, để sống như một đứa trẻ nông thôn từ một tuần đến 10 ngày, thậm chí một tháng.

Những ngày đầu, không ít cô ấm cậu chiêu, vốn chỉ biết ăn học chơi, kháng cự lại điều kiện và quy định sinh hoạt ở trang trại. Nhưng rồi với sự tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo, khuyên nhủ của các cô, các chú và bà, ai cũng dần biết phụ việc từ dọn cơm, rửa chén, giặt quần áo đến làm việc trong trang trại như tưới cây, làm đất, đốt than…

Giữa rừng tre, vườn với đủ mọi loại rau, thuốc nam, cây ăn trái, hàng ngày các bạn quây quần bên mâm cơm, sẻ chia thức ăn, hỗ trợ nhau làm việc nhà. Hẳn là chỉ khi đến đây, trẻ mới biết được cám gạo từ đâu mà có và công dụng tuyệt vời không dừng lại ở nuôi gia súc mà còn có thể thay xà phòng rửa sạch chén, nước rửa chén thải ra lại mang đi tưới cho cây trong vườn.

Vì An Nhiên không chỉ có dự án kè sinh thái (trồng cây để tạo thảm thực vật giữ đất tránh nguy cơ sạc lở ngày một nặng ở hạ lưu sông Thu Bồn), mà nơi đây còn chú trọng vào việc nâng cao nhận thức về môi sinh của người dân. Các dự án phi lợi nhuận, tái chế rác thải từ du lịch như vải thừa, xà phòng dư, bột kem đánh răng tự nhiên… cũng mang đến cơ hội tuyệt vời cho các trại sinh.

Tự tay làm xà phòng, làm kem đánh răng với nguyên liệu 100% như bột than tre, quế, vỏ trứng, bột sắn dây, muối biển hầm, băng đô cài tóc, ống hút sậy… các bạn nhỏ lại còn được tạo điều kiện để thuyết phục quan khách tại hội chợ nông sản sạch (mỗi chủ nhật đầu tiên của tháng) thử dùng sản phẩm mới. Nghe lý thuyết rồi thực hành ngay và truyền đạt lại cho người khác, không chỉ tư duy, nhận thức của trẻ được hình thành mà kỹ năng khác cũng được xây dựng.

Nói như chị Hạnh, quản lý của An Nhiên, nếu một người được xây dựng ý thức thu nhặt và phân loại rác, tái sử dụng thường xuyên thì họ sẽ không còn xả rác cũng như trân quý thứ mình có hơn nữa. Tương tự như thế, càng tương tác nhiều, con trẻ càng biết cách mở lòng, sống chan hòa hơn với người khác, với muông thú, cây cối.

C. PHÔ

Recommended For You