Sốt Dengue và sốt xuất huyết

    Có thể nói rằng SXH và bệnh sốt Dengue là hai thể bệnh do cùng một tác nhân gây nên – virus Dengue – và đều lây truyền qua trung gian cùng một loài muỗi. Vậy, mối tương quan giữa hai thực thể bệnh lý này như thế nào?

    Sốt Dengue: một bệnh nhiễm virus lâu đời

    Trong số các bệnh nhiễm virus do các côn trùng họ Tiết túc (Arthropode) lây truyền, sốt Dengue (SD – Dengue fever) chính là căn bệnh phổ biến bậc nhất, có mặt lâu đời ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở những vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới có nhiều muỗi Aedes egypti, một loài ”muỗi vằn” có tập tính sinh sống vùng đô thị và thường hoạt động mạnh vào ban ngày (khác với “muỗi đòn xóc” truyền bệnh sốt rét). Virus Dengue là một virus RNA thuộc giống flavivirus (họ Flaviviridae) gồm 4 type huyết thanh (1, 2, 3, 4) – và cả 4 type ấy đều gây nên một hội chứng lâm sàng tương tự.

    Thời gian qua, bệnh Dengue hiểu theo nghĩa nói trên ít gây chú ý, ít được đề cập (ở nước ta) bởi vì dù sao đó cũng là một bệnh lý tương đối lành tính, ít nhất so với thể SXH nặng hơn – một mối ám ảnh kéo dài cho ngành y tế và các bậc phụ huynh.

    Sau 2 – 7 ngày ủ bệnh, người bệnh SD đột ngột lên cơn sốt, nhức đầu, đau sau nhãn cầu, đau lưng, đặc biệt là đau nhức dữ dội các cơ (“đau thấu xương”), nhiều khi có phát ban dạng “dát” (vệt hay mảng đỏ), sưng hạch, nổi mụn nước ở vòm miệng, mắt đỏ.

    Bệnh thường kéo dài khoảng một tuần, với những triệu chứng khác kèm theo như biếng ăn, buồn nôn, ói mửa, da nhạy cảm, nổi sần (dạng dát – sần) trên thân mình rồi trên mặt và các chi, đốm xuất huyết trên da, chảy máu cam và kể cả xuất huyết tiêu hóa (nơi những tổn thương dạ dày – đường ruột sẵn có). Nhưng đấy chưa phải là một bệnh lý với hội chứng sốt và xuất huyết đúng nghĩa.

    Các triệu chứng cận lâm sàng bao gồm: giảm bạch cầu huyết, giảm tiểu cầu. Chẩn đoán có thể được xác định với các test ELISA, RPR và việc phân lập virus.

    Sốt xuất huyết: một thể bệnh mới của sốt Dengue

    Vào thập niên 1950, hội chứng sốt kèm xuất huyết xuất hiện nơi những trẻ em ở Đông Nam Á – bao gồm Philippines và Việt Nam – sau đó được ghi nhận có kết hợp với nhiễm virus của bệnh Dengue, đặc biệt nơi những trường hợp đã từng bị phơi nhiễm với một type virus Dengue khác (thí dụ: nhiễm type 2 ở lần trước, type 4 lần sau). Một thể bệnh Dengue mới đã xuất hiện, tuân theo một cơ chế miễn dịch. Sau một thời gian, sự bảo vệ tạm thời chống type virus lần trước được thay thế bởi tiềm năng nhiễm trùng khác type dẫn đến sốt Dengue điển hình hoặc – đôi khi – một dạng bệnh nặng hơn, tức SXH Dengue (SXH-D – Dengue hemorrhagic fever) thứ phát.

    Được nhận diện bởi sự xuất hiện xu hướng xuất huyết (đốm xuất huyết, test ga-rô dương tính) và các tình huống chảy máu rõ ràng (như ói hay đi tiêu ra máu ở người không có tiền căn bệnh dạ dày – đường ruột), SXH-D đã dần dần trở thành một vấn nạn không chỉ ở châu Á – Thái Bình Dương mà cả nhiều khu vực khác ở châu Á (đặc biệt Đông Nam Á và Nam Á), châu Mỹ (vùng Caribê, Mỹ La tinh), châu Phi và châu Đại Dương. Tính ra, hàng năm trên thế giới hiện có hàng triệu ca bệnh Dengue, bao gồm hàng ngàn ca SXH-D, trong đó một số ca là hội chứng sốc Dengue (HCSD – Dengue shock syndrome) nguy hiểm.

    HCSD – cũng thường kèm theo các dấu hiệu xuất huyết – nghiêm trọng hơn SXH-D nhiều và là hậu quả của sự gia tăng thẩm thấu mạch máu dẫn đến sốc. Nguy cơ xảy ra HCSD tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

    – Tuổi: nguy cơ giảm đáng kể sau tuổi 12.

    – Giới tính: nữ bị HCSD nhiều hơn nam.

    – Điều kiện dinh dưỡng: các đối tượng suy dinh dưỡng ít bị HCSD hơn so với trẻ dinh dưỡng tốt (càng khỏe mạnh thì phản ứng miễn dịch càng nặng!).

    – Type huyết thanh: type 2 tỏ ra nguy hiểm hơn, trong đó dòng Đông Nam Á (type 2) có nhiều tiềm năng gây SXH-D/HCSD hơn các dòng khác.

    Trong các ca SXH-D/HCSD nhẹ, tình trạng bứt rứt, ngầy ngật, giảm tiểu cầu – huyết (dưới 100.000/microlít) và tăng tốc độ lắng máu (hematocrit) được nhận diện 2 – 5 ngày sau khởi bệnh sốt Dengue (SD), thường là vào lúc sốt (và các dấu hiệu khác của SD) đang thoái lui. Phát ban dạng dát – sần (hay xuất hiện trong SD) cũng có thể hiện diện trong SXH-D/HCSD. Trong các ca nghiêm trọng hơn, có sốc nặng rõ rệt: mạch yếu, tím tái, sưng gan, tràn dịch màng phổi, cổ trướng (bụng báng) và, đôi khi, bầm máu nặng và xuất huyết dạ dày – ruột.

    Giai đoạn sốc kéo dài 1 – 2 ngày, và phần lớn bệnh nhân đáp ứng nhanh với việc chăm sóc, theo dõi sát sao, cho thở oxy và truyền dịch (dung dịch điện giải; dịch cao phân tử trong trường hợp thật nặng). Tỷ lệ tử vong thay đổi nhiều theo từng nơi (tùy theo khả năng ứng phó và chất lượng điều trị). Tuy nhiên, đa số các ca SXH-D/HCSD đáp ứng tốt với các biện pháp trị liệu nâng đỡ thể trạng nói trên, và tử suất chung ở các cơ sở y tế nhiều kinh nghiệm chỉ ở mức 1% hay thấp hơn. Điều đáng lưu ý là, trong nỗ lực hạ sốt, giảm đau cho bệnh nhi (có thể dùng paracetamol), các phụ huynh cần tránh sử dụng aspirin vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng xuất huyết và có nguy cơ gây ra hội chứng Reye, một biến chứng nguy hiểm ở trẻ em.

    Việc chẩn đoán xác định cũng có thể được thực hiện bằng các xét nghiệm cao cấp (ELISA, CT-RPR, cấy tế bào). Nhưng trong thực tế hiện trường, tầm quan trọng nằm ở việc nhận định, đánh giá và theo dõi các dữ liệu về dịch tễ, địa dư và lâm sàng (sốt, đau nhức, xuất huyết, mạch yếu, hạ huyết áp…), cộng với các kết quả của một số test thông dụng (test ga-rô, công thức máu, hematocrit…).

    Biện pháp kiểm soát bệnh Dengue và SXH-D

    Chìa khóa của việc kiểm soát bệnh sốt Dengue và SXH-D là việc khống chế muỗi A. aegypti – vectơ truyền bệnh SXH cũng như bệnh sốt vàng (không có ở VN) và bệnh chikungunya (lưu hành ở Nam Á và Đông Nam Á). Thời gian qua, những trở ngại lớn cho nỗ lực diệt muỗi bao gồm:

    – Sự lan tràn trong môi trường các vật dụng làm đọng nước như vỏ ruột xe phế thải, các bình và mảnh thủy tinh hay plastic (không tự hủy), lon đồ hộp, vỏ dừa…

    – Sự kháng thuốc diệt côn trùng

    – Nạn nghèo đói đô thị và sự bất lực trong việc huy động người dân tham gia diệt muỗi.

    Hiện vẫn chưa có thuốc ngừa và thuốc trị virus Dengue, mà chỉ có một vài vaccin còn ở giai đoạn thử nghiệm. Chưa biết được các vaccin ấy có khả năng cung ứng tính miễn dịch hiệu quả và an toàn hay không, nhưng người ta hy vọng chúng sẽ giúp giảm đáng kể sự lan truyền virus Dengue.

    BS. PHẠM QUỐC VỸ

    Recommended For You